Web 3.0 là gì?

Trong khi Web 1.0 phần lớn là web tĩnh (chỉ đọc) và Web 2.0 là một web động (đọc-ghi) thì Web 3.0 sẽ cung cấp một Internet đọc-ghi phi tập trung, không qua trung gian. Đây sẽ là nơi mà người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ.

Vậy thì chính xác Web 3.0 là gì, nó sẽ thay đổi cuộc sống của con người ra sao? Hãy cùng Bitcoincuatoi tìm hiểu ngay.

Lịch sử phát triển – Thời đại Web 1.0 và 2.0

Để hiểu Web 3.0 là gì, trước tiên hãy cùng nhau nhìn lại các phiên bản trước của Internet.

Web 1.0

Internet được phát triển và chính thức công bố vào năm 1990. Tại thời điểm này, người ta vẫn chưa thực sự định nghĩa về Web 1.0 mà chỉ đơn thuần gọi đây là Internet để sử dụng. Hầu hết người dùng của trang web sơ khởi này đều thụ động cung cấp thông tin cho người dùng. Nói đơn giản hơn thì Web 1.0 là nơi mà người dùng Internet chỉ có thể tiếp nhận thông tin, còn chủ sở hữu sẽ là người cung cấp thông tin. Cách hoạt động của nó được cho là “tĩnh” và đây cũng là lý do để phiên bản Web 2.0 được ra đời.

Web 2.0

Vì Web 2.0 được định hướng để khắc phục cho bản trước đó, nên nó chủ yếu tăng cường khả năng tương tác giữa người dùng và website. Trong giai đoạn này, người dùng đã có thể tạo hầu hết nội dung trên các nền tảng như YouTube, Facebook hoặc Twitter. Song, nhược điểm lớn nhất của phiên bản này chính là việc tự do tạo nội dung đôi khi lại vô tình khiến các dữ liệu cá nhân của người dùng rơi vào tay của các công ty kiểm soát các nền tảng. Điều này khiến cho các thông tin được tồn tại dựa trên sự quản lý của một hướng do họ được quyền thêm thắt, giảm lược hoặc loại bỏ hoàn toàn nếu muốn. Từ đó, Internet lại cần thêm một sự nâng cấp mới để có thể phục vụ con người tốt hơn.

Nguồn: Fabric Ventures

Web 3.0 là gì?

Về cơ bản, Web 3.0 sẽ là giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển Internet. Vì Web 3.0 hiện vẫn đang được xây dựng nên vẫn chưa có định nghĩa cụ thể được thiết lập về Web 3.0 là gì hoặc sẽ là gì. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một bước tiến nhảy vọt đối với các mạng open (mở), trustless (không tin cậy) và permissionless (không cần sự cho phép).

  • Open ở chỗ chúng sẽ được xây dựng từ các phần mềm mã nguồn mở được xây dựng bởi một cộng đồng các nhà phát triển mở và dễ tiếp cận và được thực thi trong tầm nhìn đầy đủ của thế giới.
  • Trustless ở chỗ chính network sẽ cho phép người tham gia tương tác công khai hoặc riêng tư mà không cần sự tham gia của bên thứ ba đáng tin cậy.
  • Permissionless ở chỗ bất kỳ ai, cả người dùng và nhà cung cấp, đều có thể tham gia mà không cần cơ quan quản lý cho phép.

Bên cạnh đó, tất cả người dùng và nhà điều hành mạng đều phải tuân thủ theo các quy chuẩn đã được đề ra với tên gọi là consensus protocol (giao thức đồng thuận). Thay vì phải dựa vào các mạng tài chính truyền thống được ràng buộc với các Chính phủ và bị giới hạn bởi biên giới, tiền trên Web 3.0 là đồng tiền ngay lập tức, toàn cầu và không cần sự cho phép. Điều này có nghĩa là các token và tiền mã hoá có thể được sử dụng để thiết kế các mô hình kinh doanh và nền kinh tế hoàn toàn mới được gọi là tokenomics.

Nói một cách đơn giản, tại Web 3.0 bất kỳ ai cũng có thể xây dựng và kết nối với các dApp khác nhau mà không cần sự cho phép của công ty trung tâm

Nguồn: Moralis

Ai đã phát minh ra Web 3.0?

Giống như các phiên bản trước, Web 3.0 cũng không có người sáng tạo duy nhất. Thay vào đó, nó đã phát triển như một sự hợp tác của nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau cùng xây dựng trên nền tảng của nhau. Do đó, những người tham gia vào nền tảng hợp đồng thông minh blockchain, chẳng hạn như Ethereum, EOS và TRON đều được công nhận là người tiên phong cho sự phát triển của Web 3.0.

Ưu điểm của Web 3.0

Không thông qua trung gian

Bởi tính chất là một mạng lưới phi tập trung nên tất cả các giao dịch và dữ liệu sẽ được trao đổi trực tiếp, mà không phải xử lý thông qua bất kỳ bên trung gian nào.

Quyền kiểm soát dữ liệu

Do không được lưu trữ dựa trên quyền kiểm soát của bên trung gian, dữ liệu của bạn sẽ do chính bạn quản lý. Lúc này, hầu như rất khó để hacker có thể xâm nhập, trừ khi họ nắm quyền khống chế toàn bộ hệ thống mạng lưới.

Điều này có nghĩa là khi có bất kỳ hacker nào muốn thao túng thông tin trên blockchain, họ buộc phải hack toàn bộ hệ thống node được phân bổ trên nhiều quốc gia trong phạm vi toàn thế giới. Điều này là một việc gần như bất khả thi và chẳng ai có đủ khả năng, tiềm lực và kinh tế để có thể hiện thực hoá chúng.

Lưu trữ dữ liệu vĩnh viễn

Tất cả những trò chơi, lịch sử hoạt động, tin nhắn, hình ảnh hay bất kỳ loại dữ liệu nào mà bạn tạo nên dựa trên Web 3.0 đều sẽ không có thời hạn lưu trữ. Toàn bộ chúng sẽ là vĩnh viễn nếu Internet còn tồn tại, không ai có quyền truy cập để xóa bỏ được.

Hoạt động 24/7

Bởi Web 3.0 không dựa trên bất kỳ máy chủ cố định nào, nên nó sẽ hoạt động theo sự tồn tại của mạng lưới. Điều này có nghĩa là tất cả các sự cố mất điện, mất dữ liệu, máy chủ quá tải đều không thể khiến hoạt động của bạn trên Web 3.0 bị gián đoạn.

Tự do

Nếu hiện tại Internet ở một số quốc gia có những giới hạn nhất định, thì tại Web 3.0, sẽ không ai được quyền ngăn cản bạn tiếp cận Internet nữa. Đây sẽ là không gian để bạn có thể tự do truy cập bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào.

Kết nối thông minh

Web 3.0 sẽ là một sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ AI và Internet of Things (IoT) giúp nâng cấp trải nghiệm kết nối của người dùng, nhằm cung cấp những website tương thích và trực quan nhất đối với mỗi cá nhân.

Những vấn đề cần khắc phục của Web 3.0

Tốc độ xử lý chậm

Chính vì Internet lúc này chú trọng vào tính bảo mật, chống bug và tự động hoá khiến cho tốc độ xử lý của nó sẽ chậm hơn, do phải thực hiện các node xác thực trước khi hiển thị. Tuy nhiên, tốc độ giao dịch của tiền mã hoá không phải là tốc độ truyền thông tin tin blockchain, nhưng nó có mối quan hệ tương quan nhau. Trong đó, một giao dịch trong blockchain sẽ có một số lượng dữ liệu nhất định.

Không thân thiện

Công nghệ phi tập trung là hiện vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ mới một số người dùng không chuyên kỹ thuật công nghệ. Để có thể bắt đầu dễ dàng hơn, người dùng cũng được yêu cần phải hiểu biết nhất định về công nghệ blockchain. Cuối cùng, quá trình chuyển đổi từ web hiện tại sang web phi tập trung, cần được thiết lập cụ thể từng bước để người dùng Internet có thể thích nghi tốt hơn.

Khối lượng dữ liệu rác lớn

Do dữ liệu tồn tại trên Blockchain mãi mãi nên chúng khiến cho Blockchain ngày càng trở nên nặng hơn. Hơn thế nữa công nghệ Blockchain yêu cầu mỗi nút phải tải toàn bộ dữ liệu Blockchain về khiến cho tổng dung lượng của Blockchain trên toàn mạng lưới càng kinh khủng. Ví dụ như Blockchain của Ethereum, nó đã đạt kích cỡ 300 Giga byte vào ngày 19/09.

Khả năng mở rộng

Đây cũng chính là vấn đề mà web 3.0 đang cần phải cải thiện nếu muốn được ứng dụng rộng rãi hơn. Một hệ thống phi tập trung không thể tùy ý mở rộng theo cách thông thường vì vấn đề bảo mật. Cụ thể với những blockchain đời đầu (như Bitcoin hoặc Ethereum), khả năng mở rộng của chúng rất kém, khiến các network chạy trên blockchain này đều thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn.

Ứng dụng của Web 3.0 và blockchain

Web 3.0 là một mạng lưới phi tập trung, nhưng một mạng lưới phi tập trung phải tồn tại một cơ chế đồng thuận để xác thực thông tin và khiến thành viên có thể tin tưởng lẫn nhau, công nghệ Blockchain chính là cơ chế đồng thuận để giải quyết vấn đề đó. Nếu không có công nghệ Blockchain, giấc mơ về Web 3.0 sẽ phải hoãn lại cho tới khi tìm được một cơ chế đồng thuận đáng tin cậy khác. Ngược lại, Web 3.0 cũng là một ứng dụng khác của Blockchain ngoài tiền điện tử và lưu trữ dữ liệu.

Cho đến nay, Internet đã phát triển được một số lượng dApp (ứng dụng phi tập trung) nhất định nhằm củng cố nền móng cho những bước tiến của công nghệ mới. Trong đó, những sản phẩm phổ biến và gần gũi nhất hiện nay thường liên quan đến các công cụ ​​Decentralized Finance (DeFi). Tại không gian DeFi, người dùng có thể vay hoặc cho vay, mã hoá tài sản ở thế giới thực, đưa ra dự đoán, đầu tư hay giao dịch các loại tiền mã hoá khác nhau, nhằm kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Đồng thời, hạng mục game trên DeFi cũng là một hình thức mới thu hút được rất nhiều người dùng trong những năm gần đây.

So sánh các thế hệ Web

Web 1.0Web 2.0Web 3.0
Cấu trúc lập trình– Chủ yếu được lập trình dựa trên mã HTML tĩnh.
– Được toàn quyền quản lý bởi nhà cung cấp.
– Được lập trình chủ yếu dựa trên XRM và RSS.
– Hoạt động dựa trên việc cung cấp các phần mềm cho người dùng (hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng,…)
– Bộ máy chủ (server): nơi cung cấp thông tin và các thuật toán được kiểm soát bởi nhà cung cấp.
– Lập trình được xây dựng bằng RDD, RDFS và OWL.
– Phát triển dựa trên những nền tảng từ 2.0.
– Có thể đặt một số hoặc toàn bộ thông tin và các thuật toán trên public blockchain.
Mô hình hoạt động– Nhà cung cấp là người duy nhất trực tiếp chịu trách nhiệm với những thứ sẽ hiển thị (bao gồm đăng tải, chỉnh sửa và cập nhật nội dung).
– Người dùng không thể tương tác với nội dung của trang (nhận xét, đánh giá, phản hồi…).
– Người dùng có thể đóng góp các nội dung trên các nền tảng.
– Nhà cung cấp có quyền kiểm soát khả năng hiển thị các nội dung người dùng phản hồi với server.
– Khả năng và quyền hạn truy cập thông tin và thuật toán được kiểm soát bởi nhà cung cấp.
– Nội dung được đảm bảo tuân theo giới hạn quy chuẩn cho phép của nhà cung cấp.
– Hoạt động theo mô hình phi tập trung.
– Khởi chạy riêng lẻ không phụ thuộc vào server.
– Người dùng trực tiếp sử dụng nội dung và các thuật toán.
– Không thông qua việc kiểm soát tài khoản, hay khoá API để tương tác với mọi thứ trên blockchain.
– Nội dung được đảm bảo tuân theo hợp đồng thông minh cho phép nhà cung cấp và người dùng đều có thể tương tác.
– Cơ sở hạ tầng hỗ trợ các ứng dụng Web 3.0 gồm wallet (ví) và blockchain node.
Nhược điểm– Thông tin một chiều, không thể đóng góp thêm nội dung.
– Không thường xuyên cập nhật thông tin mới.
– Khả năng tồn tại những sai sót cao.
– Tính tương tác không tồn tại.
– Lợi dụng quyền để thực hiện thao túng (giới hạn, ẩn hoặc xóa) hiển thị.
– Nhà cung cấp có thể đơn phương thay đổi các quy tắc sử dụng, ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng.
– Không đảm bảo được quyền lưu trữ nội dung người dùng đã tạo ra.
– Rò rỉ thông tin cá nhân từ việc bán thông tin, server bị hack.
– Sự cố server làm trì hoãn hoạt động của người dùng.
– Tốc độ xử lý chậm.
– Khó tiếp cận và sử dụng thông thạo.-
Khối lượng dữ liệu rác lớn.
– Khả năng mở rộng bị hạn chế lớn.
– Các vấn đề khác xoay quanh việc mở tài khoản dành riêng cho dApp, giải pháp nhận dạng tại Web 3.0…

Tương lai phát triển

Việc lựa chọn giữa xây dựng cho Web 3.0 và Web 2.0 thậm chí không phải là một cuộc thảo luận tại thời điểm này, bởi 2.0 là một thị trường quá bão hòa với nhiều hạn chế về công nghệ. Mặt khác, bản 3.0 lại có tiềm năng gần như vô hạn và sẵn sàng cho các dự án phát triển tốt. Điều này mang đến cho bạn một cơ hội đáng chú ý.

Tương lai của web là về việc tăng cường sử dụng, khả năng sử dụng và khả năng mở rộng. Để tầm nhìn về Web 3.0 trở thành hiện thực, nhiều người sẽ phải bắt đầu sử dụng các dapp của mạng phi tập trung. Điều này không chỉ có nghĩa là sẽ có nhiều dApp hơn, mà các dApp sẽ ngày càng dễ sử dụng và hấp dẫn hơn đối với người dùng không chuyên về kỹ thuật.

Lời kết

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển đổi sang Web 3.0 sẽ là sự thay đổi mô hình quan trọng nhất của Internet kể từ khi xuất hiện Web 1.0. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ sẽ mất bao lâu để Web 3.0 đi vào cuộc sống hằng ngày. Nhưng có một điều chắc chắn, Web 3.0 sẽ là một cột mốc lớn cho sự đổi mới của Internet.

Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi


Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến ​​thức, không phải là lời khuyên. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment