Fear and Greed Index là gì? Cách hoạt động của chỉ số này trong lĩnh vực tiền mã hoá

Fear and Greed Index là chỉ số phân tích riêng dành cho lĩnh vực chứng khoán, vậy chính xác nó được áp dụng trong lĩnh vực tiền mã hoá ra sao? Cùng tìm hiểu ngay bên dưới.

Chỉ số Fear and Greed Index là gì?

Fear and Greed Index (FGI) hay còn được gọi là Chỉ số Sợ hãi và Tham lam. Đây là công cụ được sử dụng để đo lường tâm lý của các nhà đầu tư đối với thị trường. Chỉ số này là cơ sở để có thể dự đoán khả năng tăng giảm của thị trường, được xây dựng dựa trên hai cảm xúc đối lập thường thấy trong lĩnh vực là fear (sợ hãi) và greed (tham lam)

Nguồn: alternative.me

Nói một cách đơn giản, khi thị trường có sự biến động của suy thoái, tâm lý của các nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo sợ các khoản tiền đầu tư sẽ bị thất thoát. Và ngược lại, khi thị trường có chiều hướng tăng trưởng sôi nổi, lòng tham của họ sẽ phát sinh với mong muốn nhận nhiều hơn số tiền hiện đang sinh lời. Từ đó, chỉ số FGI được thiết lập để đo lường ngưỡng tâm lý dựa trên các chu kỳ hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm.

Nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett đã nói: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”.

Fear and Greed Index được tính toán ra sao?

Dựa trên cách mà CNNMoney thực hiện, Alternative.me đã điều chỉnh cách tiếp cận và phát triển Fear and Greed Index áp dụng lần đầu với Bitcoin. Về cơ bản, khái niệm về FGI là hoàn toàn giống nhau, tuy nhiên các chỉ số được dùng làm cơ sở đánh giá lại khác nhau. Chỉ số này là một cách khá tốt để xác định hành vi của các nhà đầu tư Bitcoin và được sử dụng như một gợi ý cho những loại tiền mã hoá khác.

Nguồn: alternative.me

Các chỉ số yếu tố cấu thành Fear and Greed Index

Để có thể xác định được chỉ số FGI, Alternative.me phát triển dựa trên 6 chỉ số yếu tố cấu thành, bao gồm:

1. Volatility (25%)

Đây là chỉ số của Volatility (Độ biến động) hiện tại kết hợp với mức giảm tối đa của Bitcoin để so sánh với giá trị trung bình trong 30 và 90 ngày trước đó. Khi có sự biến động thị trường, tâm lý chung cũng sẽ có sự thay đổi tương đương.

2. Market Momentum/Volume (25%)

Đây là sự kết hợp giữa Market Momentum (Động lực Thị trường) và Market Volume (Khối lượng Thị trường) hiện tại của Bitcoin, để so sánh với mức trung bình của 30 và 90 ngày trước đó. Khi momentum tăng mạnh, tức là biểu thị của một thị trường bull.

3. Social Media (15%)

Chỉ số Social Media (Truyền thông Xã hội) sử dụng phân tích từ lượng tương tác dựa trên lượt thích, bài đăng, tag bằng # trên Twitter trong lĩnh vực. Nếu các tương tác tăng mạnh trong một thời gian ngắn, thì tâm lý greed (tham lam) có thể biểu thị tăng.

4. Dominance (10%)

Dominance (Độ thống trị) đo lường thị phần vốn hoá thị trường Bitcoin chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trên tổng vốn hoá của toàn bộ thị trường tiền mã hoá. Sự thống trị của Bitcoin càng lớn thì những hướng đầu cơ cho các altcoin càng nhỏ, biểu thị sự giảm giá giữa các nhà đầu tư.

5. Trend (10%)

Dựa trên trend (xu hướng) tìm kiếm của Google cho các cụm từ liên quan đến Bitcoin, để xem xét lượng tìm kiếm và đề xuất từ ​​các trang web phổ biến. Điều này biểu thị độ quan tâm của nhà đầu tư với những sự kiện diễn ra xung quanh, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra biến động giá.

6. Survey (15%) – Hiện đã tạm ngừng

Dựa trên Survey (cuộc khảo sát) được thực hiện trên các nền tảng, đơn vị khảo sát theo chu kỳ thường xuyên. Mục đích của việc này là để xem các cá nhân đang nghĩ gì về tình hình thị trường hiện tại.

Cơ cấu của Fear and Greed Index

Chỉ số FGI được xét theo thang điểm từ 0 đến 100. Trong đó, 0 là biểu thị cho extreme fear (sợ hãi tột độ) của nhà đầu tư khi biến động giá giảm quá mức. Ngược lại, 100 là biểu thị của extreme greed (lòng tham cực độ) khi các nhà đầu tư nảy sinh lòng tham với một thị trường giá đang tăng trưởng cực kỳ tích cực. Chính vì vậy, chỉ số này có thể được sử dụng như một tín hiệu để đánh dấu “đỉnh” và “đáy” của các chu kỳ thị trường Bitcoin.

  • Từ 0 đến 24: Extreme Fear
  • Từ 25 đến 49: Fear
  • Khoảng 50: Neutral
  • Từ 51 đến 74: Greed
  • Trên 75: Extreme Greed

Lời kết

Mặc dù chỉ số yếu tố của Fear and Greed Index của Bitcoin có sự khác biệt so với ban đầu, song, cả hai chỉ số về cơ bản đều là công cụ để đo lường cảm xúc của các nhà đầu tư đối với thị trường. Qua đó, chỉ số FGI có thể sử dụng để thông báo cho họ về tình hình hoạt động của thị trường dựa trên các chu kỳ khác nhau.

FGI là một chỉ số được đánh giá hoạt động khá tốt, khi nó có thể bao quát được nhiều yếu tố cấu thành để kết luận xu hướng tâm lý chung của số đông người dùng Bitcoin. Tính đến hiện tại, alternative.me hiện vẫn chỉ áp dụng phân tích chỉ số này với Bitcoin, chứ chưa hề phát triển nó trên những altcoin khác. Tuy nhiên, công này này hiện vẫn dự định sẽ tiếp tục mở rộng hơn trong tương lai không xa.

Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hoá là một nơi với nhiều biến động liên tục diễn ra, nên rất khó để có thể tìm kiếm được một công cụ hoàn hảo, có thể dự đoán chính xác được. Chính vì thế, một nhà đầu tư thông minh luôn được khuyên sử dụng kết hợp nhiều thước đo khác nhau để có thể đưa ra những quyết định đầu tư tốt nhất.

Theo John Maynard Keynes – một nhà kinh tế học nổi tiếng, đã từng nói: “Thị trường chứng khoán có thể tồn tại các điểm bất hợp lý lâu hơn mức bạn có thể duy trì”. Và điều này cũng có thể tương tự khi nói đến tiền mã hoá.

Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi


Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến ​​thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment