So sánh Ethereum cùng đối thủ nặng ký NEAR Protocol

Có lẽ tất cả chúng ta đều ít nhiều nghe đến cụm từ “Ethereum Killer” hay “Kẻ tiêu diệt Ethereum”. Và cái danh xưng mỹ miều này đã thuộc về Solana – nền tảng được đặt lên bàn cân để so sánh với Ethereum trong suốt một thời gian dài. Nhưng sau đó, Solana dường như bỏ lại “hào quang” của nó để nhường đường cho nhiều giao thức Layer-1 tiến lên, mở lối. Và nổi bật trong số đó là cái tên NEAR Protocol.

Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan khi xem xét sự phát triển của NEAR song song với Ethereum. Đầu tiên, hãy tìm hiểu NEAR Protocol và Ethereum là gì.

Ethereum là gì?

Được thành lập vào năm 2015 bởi Vitalik Buterin, Ethereum đã khẳng định mình là đồng tiền mã hóa lớn thứ hai theo vốn hóa thị trường, chỉ đứng sau Bitcoin. Ethereum được xây dựng dựa trên chuỗi khối của Bitcoin, khiến nó không chỉ là một loại tiền mã hóa cho phép người dùng gửi hoặc nhận giá trị, mà còn không cần bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba. 

Ethereum đảm bảo sự phân quyền bằng cách thay thế các máy chủ trung tâm bằng hàng nghìn node, đảm bảo rằng nền tảng luôn trực tuyến và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ ba nào. Hợp đồng thông minh cũng tạo thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái của Ethereum. Bởi vì nền tảng này hỗ trợ cả các ứng dụng phi tập trung và hợp đồng thông minh, cho nên nó đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà phát triển cũng như người dùng. 

Ethereum hiện đang chuyển sang Ethereum 2.0 hoặc Serenity. Việc nâng cấp sẽ cải thiện đáng kể khả năng mở rộng, hiệu quả và tốc độ của Blockchain Ethereum. Ngoài ra, việc nâng cấp sẽ cho phép Ethereum giảm chi phí gas và xử lý nhiều giao dịch hơn, cải thiện khả năng mở rộng của blockchain mà không ảnh hưởng đến tính bảo mật vốn có của nền tảng.

Xem thêm:

Ethereum 2.0 là gì? Sự khác biệt giữa nó và Ethereum 1.0

NEAR Protocol là gì?

NEAR Protocol ra đời vào mùa hè năm 2018. Là một nền tảng phát triển phi tập trung, giao thức được thiết kế để tạo ra môi trường hoàn hảo cho các ứng dụng phi tập trung, tập trung vào những thiếu sót của các nền tảng khác trong không gian hợp đồng thông minh và dApp. Những thiếu sót này chủ yếu là các vấn đề về tốc độ thấp, thông lượng thấp và khả năng tương thích kém với các chuỗi khác. 

NEAR hoạt động trên nền tảng của NEAR Protocol, một blockchain Proof-of-Stake, kết hợp một số tính năng và cải tiến để giảm chi phí và cải thiện khả năng mở rộng cho cả người dùng lẫn nhà phát triển. Ngoài ra, NEAR còn thực hiện một cách tiếp cận độc đáo để “Sharding”.

Giao thức dựa trên công nghệ tương tự như Bitcoin, kết hợp cùng các tính năng như sharding cơ sở dữ liệu. NEAR Protocol được xây dựng từ đầu và là mạng dễ tiếp cận nhất cho end-user (người dùng cuối) và nhà phát triển đồng thời đảm bảo khả năng mở rộng và bảo mật. NEAR cho phép nền tảng mở rộng quy mô tuyến tính, lên đến hàng tỷ giao dịch theo cách hoàn toàn phi tập trung. 

Xem thêm:

NEAR Protocol (NEAR) là gì? Tổng quan về nền tảng tập trung vào hệ thống DApps

Tại sao NEAR là một giải pháp thú vị cho các vấn đề của Ethereum?

So sánh NEAR Protocol và Ethereum

Tiểu sử

NEAR Protocol được khởi động vào năm 2018 bởi Alexander Skidanov và Illia Polosukhin, hai nhà khoa học máy tính trẻ tuổi, những người trước đây đã từng làm việc cho các công ty công nghệ lớn như Microsoft và Google.

Trong khi đó thì Ethereum có một tuổi đời lâu hơn nhiều với việc ra đời vào năm 2013 bởi Vitalik Buterin, một nhà nghiên cứu tiền mã hóa và nhà lập trình. Việc phát triển Ethereum ban đầu được tài trợ qua hình thức crowd funding (tài trợ đám đông) suốt tháng 7 và tháng 8 năm 2014.

Nguồn: Medium

Cộng đồng nhà phát triển

NEAR Protocol được duy trì bởi Near Collective, một nhóm các nhà phát triển tích cực hoạt động trên khắp thế giới. Đội ngũ dự án gồm 42 contributor (người đóng góp tích cực). Bản phát hành mới nhất của nó đã được triển khai vào tháng 1/2021, trong đó có một số nâng cấp về cấu trúc khối và giải quyết một số vấn đề rò rỉ bộ nhớ.

Tuy nhiên, so với Ethereum thì Blockchain này có một cộng đồng khổng lồ hơn rất nhiều. Công việc phát triển chính được thực hiện bởi Ethereum Foundation do Vitalik Buterin lãnh đạo, chuyên hỗ trợ Ethereum và các công nghệ liên quan. 

Hiệu suất và khả năng mở rộng

Nguồn: Medium

Khả năng mở rộng và tốc độ xử lý giao dịch là hai trong số những rào cản lớn nhất trong công nghệ Blockchain cần được giải quyết. Bạn chỉ có thể giải quyết một trong hai đặc điểm chính là tính phi tập trung, khả năng mở rộng và bảo mật, do đó việc đánh đổi gần như không thể tránh khỏi.

Ethereum chỉ có thể thực hiện 15 giao dịch mỗi giây do bản chất của phương thức đồng thuận Proof-of-Work, khiến nó kém hiệu quả trong việc cạnh tranh với các hệ thống thanh toán như Visa hoặc Mastercard. Ngoài tốc độ, một vấn đề khác là việc khai thác tiêu tốn rất nhiều năng lượng, gây tốn kém cho việc vận hành. Cộng đồng Ethereum đã nhận ra những vấn đề lớn đó và khởi xướng Beacon Chain, cải cách mô hình đồng thuận từ Proof-of-Work sang Proof-of-Stake. Quá trình nâng cấp đang diễn ra và sự hợp nhất lớn giữa ETH 1.0 và 2.0 (Serenity) sẽ được hoàn thành vào khoảng năm 2022. Điều này sẽ cho phép blockchain xử lý 1000 giao dịch mỗi giây, các ứng dụng cũng sẽ nhanh hơn và rẻ hơn. 

Ở bảng dưới đây chúng ta có thể thấy cấu trúc của Ethereum và NEAR Protocol.

Cấu trúc của Ethereum. Nguồn: Medium
Cấu trúc của NEAR Protocol. Nguồn: Medium

Khả năng mở rộng của NEAR dựa trên cơ chế nổi tiếng của giao thức là Nightshade Sharding, làm cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake của họ. Với Nightshade Sharding, nó sẽ chia nhỏ mạng để phần lớn tính toán thực sự được thực hiện song song. Blockchain NEAR có thể xử lý hơn 100,000 giao dịch mỗi giây. Đây là một trong những thông lượng lớn nhất trong lĩnh vực tiền mã hóa. Ngoài ra, nền tảng NEAR không có giới hạn về khả năng mở rộng do khả năng phân mảnh và phân phối mã độc nhất đến một số lượng lớn hơn các node.

Cộng đồng nhà phát triển đã giới thiệu một tính năng độc đáo – Rainbow Bridge, nhằm kết nối Blockchain Ethereum và NEAR. Cầu nối này hỗ trợ ERC20, ERC721 mà vẫn hoàn toàn phi tập trung, và có thể thích ứng với bất kỳ thay đổi giao thức nào trong tương lai ở cả hai phía. Bridge có thể tăng tốc sự phát triển của cộng đồng vì nó cho phép người dùng Ethereum truy cập ngay vào các ứng dụng được xây dựng trên NEAR.

Cấu trúc Rainbow Bridge. Nguồn: NEAR Protocol

Phí gas

Như chúng ta đều biết Ethereum 1.0 có rất nhiều hạn chế. Bản thân nó không thể mở rộng nhưng lại phải vật lộn với một lượng giao dịch “khổng lồ”. Minh chứng cho điều này là một lượng lớn tiền mã hóa đã làm cho Ethereum trở nên tắc nghẽn nghiêm trọng vào năm 2017. Kể từ đó phí giao dịch hay phí gas trên blockchain này đã tăng vọt, liên tục chạm tới những “nóc” mới, có lúc lên đến $50, thậm chí $100 cho 1 giao dịch.

Phí gas của Ethereum qua các năm. Nguồn: Etherscan

Trong khi đó, phí gas trên NEAR Protocol thấp hơn đáng kể so với Ethereum. Điều này là do NEAR có một mô hình thực thi hợp đồng hiệu quả hơn, đòi hỏi ít tính toán hơn, và sử dụng một cách tiếp cận phân mảnh động được gọi là Nightshade. Theo tính toán, phí gas của NEAR thấp hơn ít nhất 10 lần so với Ethereum. Ngoài ra, nếu giá NEAR tăng đáng kể, thì phí gas tối thiểu do nhà mạng đặt ra còn có thể được hạ xuống.

Token

Token gốc của NEAR Protocol là $NEAR. Theo Coingecko, vốn hóa thị trường của NEAR ở thời điểm hiện tại là hơn 7 tỷ USD, đứng thứ 22 trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Nguồn: Coingecko

Trong khi đó thì token ETH của Ethereum vẫn vững chân ở ngôi vị thứ 2 với tổng vốn hóa thị trường hơn 332 tỷ USD và đang được giao dịch ở khoảng giá $2,764.

Hợp đồng thông minh

NEAR Protocol hỗ trợ Rust và AssemblyScript để phát triển hợp đồng thông minh. Đối với những người mới sử dụng Rust, đó là một ngôn ngữ lập trình linh hoạt tương tự như C++ có thể bảo vệ khỏi các mối lo ngại về an toàn bộ nhớ và các lỗi phổ biến khác. Mục tiêu của Rust là giúp các lập trình viên tạo ra các chương trình phức tạp một cách đơn giản. 

Ethereum thì sử dụng các hợp đồng thông minh được viết bằng Solidity. Đó là một ngôn ngữ lập trình có cú pháp khá giống với JavaScript, được tạo ra bởi đội ngũ Ethereum. 

Giao thức

NEAR Protocol được thiết kế để:

  • Xây dựng các ứng dụng phi tập trung: Nhà phát triển không cần học các tính năng Blockchain chuyên sâu để bắt đầu xây dựng web hoặc ứng dụng.
  • Người dùng được trải nghiệm mà không cần có kiến thức quá nhiều về tiền mã hóa, coin/ token, ví hoặc các thuật ngữ khác trong hệ sinh thái này.
  • Mở rộng quy mô ứng dụng của bạn, vì nền tảng cơ bản sử dụng sharding để tự động tăng dung lượng mà không cần bất kỳ chi phí bổ sung nào.

Đối với Ethereum, nó là Blockchain đầu tiên giới thiệu các hợp đồng thông minh. Rõ ràng đây là một bước cần thiết trong việc áp dụng công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, Ethereum thiếu nhiều tính năng hiện đại mà các Blockchain ngày nay sở hữu.

Công cụ phát triển

Các nhà phát triển cần một bộ công cụ để phát triển các sản phẩm. Trong đó, NEAR Protocol sẽ cung cấp khá nhiều công cụ cũng như các thử nghiệm khác nhau. Ví dụ, để viết dApp trong AssemblyScript, bạn cần một GitPod và sử dụng AS-pect & Jest để thử nghiệm. Trong đó:

  • Jest cho phép thực hiện các bài kiểm tra tích hợp trên mạng testnet của NEAR.
  • AS-pect cho phép kiểm tra hợp đồng thông minh trên một mạng giả lập cục bộ.

Còn đối với Ethereum, các nhà phát triển sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình của nền tảng là Solidity, từ việc thiết lập một node Blockchain cục bộ đến thử nghiệm đơn vị các hợp đồng thông minh sử dụng JavaScript. Nổi tiếng nhất là Truffle, một khung phát triển hợp đồng thông minh trên Ethereum.

So sánh giữa NEAR Protocol và Ethereum. Nguồn: Medium

Gửi yêu cầu đến Blockchain

Thư viện near-api-js chịu trách nhiệm gửi yêu cầu đến Blockchain NEAR Protocol và Web3 được sử dụng để gửi yêu cầu đến Blockchain Ethereum tương ứng.

Nguồn: Medium

Vậy Near hay Ethereum Protocol tốt hơn?

NEAR ProtocolEthereum
Sharding+
Giao dịch / giây100,000 giao dịch / giây15 giao dịch / giây
Ngôn ngữ lập trìnhWebAssemblySolidity
Thuật toán đồng thuậnProof-of-StakeProof-of-Work
Phí gas$0.01Có thể từ $50 – hơn $100
Carbon thải ra174 tấn / năm12,000,000 tấn / năm
So sánh tổng quan NEAR Protocol và Ethereum

Thật sự khi đặt lên bàn cân thì hai chiến binh đều có những phẩm chất và điểm sáng riêng của mình. NEAR Protocol đã cho chúng ta thấy rất nhiều hứa hẹn. Giao thức sử dụng Sharding để giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng của Blockchain thế hệ thứ hai. Ngoài ra, NEAR còn làm tăng đáng kể thông lượng mà không ảnh hưởng đến tính bảo mật của nền tảng. NEAR cũng đã ra mắt mainnet nhằm hỗ trợ cho các dApp cùng nhiều dịch vụ khác. Với trọng tâm đảm bảo rằng, nền tảng NEAR phải dễ sử dụng cho validator, end-user và nhà phát triển, NEAR đã nổi lên như một thế lực trong không gian nền tảng hợp đồng thông minh.

Ở đối trọng còn lại thì Ethereum vẫn giữ được vị trí trên ngai vàng, nhờ cộng đồng nhà phát triển đáng ghen tị và hệ sinh thái DeFi & NFT đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Cả hai giao thức đều cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho các nhà phát triển để mở rộng hơn nữa không gian tiền mã hóa.

Lời kết

Kết luận, chúng ta có thể nói rằng NEAR Protocol có khá nhiều lợi thế khi so sánh với Ethereum, đây là một Blockchain với nhiều nền tảng công nghệ thú vị cùng một đội ngũ những nhà phát triển tận tâm. Tuy nhiên, NEAR không có ý định tiêu diệt Ethereum như những gì người khác nghĩ, mà thay vào đó họ muốn cùng phát triển để xây dựng nên một hệ sinh thái phi tập trung của tương lai.

Camille


Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến ​​thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment