Phản ứng của thị trường Bitoin với các phát ngôn về lạm phát của Chủ tịch FED

Trong trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ được tổ chức vào cuối tháng 11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) – Jerome Powell đã nhấn mạnh rằng vấn đề lạm phát không nên được coi là “nhất thời” và FED sẽ xem xét đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu trong cuộc họp tiếp theo trong hai tuần tới. Hồi đầu tháng này, FED đã công bố lịch trình giảm mua 15 tỉ USD/tháng trái phiếu.

Theo đó, Chương trình nới lỏng định lượng (QE) được FED triển khai sau khi Covid trở thành đại dịch vào năm ngoái, đã thực hiện mua vào mỗi tháng 120 tỉ USD trái phiếu, gồm trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ bất động sản. Và với tình hình tài chính bất ổn như hiện tại Jerome Powell cũng hy vọng các giải pháp xử lý lạm phát sẽ được thảo luận tại cuộc họp vào tháng 12.

Qua đó, lịch trình giảm mua trái phiếu ban đầu sẽ kết thúc vào khoảng tháng 6-2022. Nếu quyết định tăng tốc được thông qua, điều đó có nghĩa là việc dừng mua trái phiếu sẽ chấm dứt vào mùa xuân, từ đó mở đường cho FED có thể thực hiện việc nâng lãi suất dễ dàng hơn sau đó.

Dựa vào thông tin bỏ phiếu trên FedWatch thì hiện tại, có khoảng 23% của các tổ chức đầu tư đang cho rằng khả năng cao FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn, và có thể sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm sau. Mặt khác, dữ liệu này cũng cho thấy có hơn 50% số người tham gia bỏ phiếu nghĩ rằng đến tháng 5/2022 FED sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch này.

Ngoài ra, lượng tiền trên thị trường bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng (chỉ số M2) liên tục tăng dần theo từng năm. Và đặc biệt thời điểm 2020, chỉ số M2 này lại đột ngột tăng mạnh và duy trì mức tăng này đến thời điểm hiện tại. Giải thích cho lý do khiến M2 tăng mạnh, nhiều người cho rằng đây là hệ quả của hành động bơm tiền hàng loạt để hỗ trợ nền kinh tế, do ảnh hưởng của dịch covid của FED.

Nguồn: FED

Chưa hết, nền kinh tế cũng đã chứng kiến một hiện tượng vận tốc của tiền giảm qua các năm và giảm mạnh nhất bắt đầu từ năm 2020.

Nguồn: FED

Điều này có nghĩa là khi vận tốc tiền lớn, lượng tiền được lưu thông nhiều trong nền kinh tế sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhiều lĩnh vực bên trong nó. Và ngược lại, khi vận tốc tiền trong nền kinh tế càng giảm, thì bàn đạp kinh tế cũng sẽ càng yếu.

Nói một cách đơn giản hơn, khi lượng tiền nhàn rỗi càng lớn, nhiều người sẽ chuyển hướng đổ tiền vào các tài sản như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu,… tạo nên cơn sốt giá dù kinh tế chưa thực sự phục hồi. Và khi lượng tiền đó đổ ngược lại thị trường kinh tế, nó sẽ tiếp tục đẩy lạm phát tăng cao hơn. Như vậy, ở thời điềm hiện tại thì lạm phát chỉ mới bắt đầu và FED cũng phải công nhận điều này. Song, thực tế thì lạm phát là một điều không thể tránh khỏi và gần như năm nào thì lạm phát cũng sẽ tồn tại.

Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hoá nhìn chung cũng nhận về khá nhiều bình luận khác từ những người có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, hoặc các tin liên quan như:

  • Tổng thống Nga Putin phát biểu rằng tiền mã hoá không được hỗ trợ bởi bất cứ điều gì. Đồng thời, đây cũng là nơi có sự biến động rất lớn, do đó, rủi ro tại đây cũng sẽ rất cao. Nga cũng như Ấn Độ nhiều năm qua vẫn không rõ ràng về quy định đối với BTC.
  • Bà Aarika Rhodes – người đang tranh cử để đại diện cho khu vực dân biểu thứ 30 của California tại Hạ Viện Mỹ đã chấp nhận đóng góp bằng Bitcoin sử dụng Lightning Network. Nếu tranh cử thành công, Aarika Rhodes sẽ thay thế Brad Sherman – một trong những nhà lập pháp hiện đang chống lại BTC.
  • Các luật sư tại Davis Polk, đại diện cho công ty Grayscale đã gửi một lá thư tới khiếu nại cho Bộ trưởng SEC – Vanessa Countryman và chỉ ra rằng SEC đã sai khi từ chối các quỹ Bitcoin ETF Spot. Song, họ cũng đã gán thêm Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) và cho rằng SEC đã vi phạm vì khi không đối xử công bằng với hai sản phẩm ETF. Lá thư này coi như là một lời cảnh báo, nếu SEC từ chối các đề suất Bitcoin ETF spot hiện tại thì có thể bị kiện ra toà.
  • Grayscale Investments – Công ty quản lý tài sản tiền mã hóa lớn nhất thế giới công bố ra mắt Grayscale Solana Trust. Grayscale đang muốn chuyển sang các quỹ đầu tư altcoin để cạnh tranh với các công ty crypto hiện tại.

Phản ứng của thị trường Bitcoin

Với bình luận của Chủ tịch FED, thị trường Bitcoin đã bị ảnh hưởng và nhanh chóng lao dốc từ đà tăng trưởng hơn $58,000 xuống còn $56,000 vào phiên chốt giá cuối tháng 11. Sau đó, BTC cũng nhanh chóng hồi phục về khoảng giá $58,000 ban đầu.

Nguồn: TradingView

Tuy nhiên, mọi việc cứ ngỡ sẽ không tạo ra qua nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng thì mới đây, vào hai ngày cuối tuần của tháng 12 (04 – 05/12), thị trường Bitcoin một lần nữa lại hứng chịu một pha lủng giá mạnh khi giảm gần $10,000 và chạm đáy ở mức dưới $48,000.

Nguồn: TradingView

Ngoài thị trường tiền mã hoá, chỉ số công nghiệp Down Jones đã giảm 617.69 điểm xuống mức 34,518 tương ứng mức giảm 1.8%, và chỉ số S&P 500 giảm 76.25 điểm xuống 4,579 điểm tương ứng mức giảm 1.6% so với thời điểm trước bình luận.

Nguồn: Investing.com
Nguồn: indexsp

Lời kết

Có thể nói, Cục Dự trữ Liên bang đang trong một tình thế khó nhằn khi phải lựa chọn giữa việc cứu thị trường trái phiếu hoặc duy trì nền kinh tế Hoa Kỳ. Hơn nữa, hành động khẩn trương đẩy lùi lạm phát rất có thể sẽ khiến các nhà đầu tư tiến gần đến vấn đề tăng lãi suất. Bởi đây là cách duy nhất để giúp các nhà đầu tư có thu nhập cố định, giải quyết được khoản nợ của Mỹ, khi lạm phát đã vượt ngưỡng 6%.

Bên cạnh những ngụ ý về các giải pháp đẩy lùi lạm phát, Chủ tịch FED Powell cũng nói thêm về vấn đề biến chủng COVID-19 mới Omicron sẽ gây ra những rủi ro đối với vấn đề suy giảm các hoạt động kinh tế, cũng như sự gia tăng vấn đề lạm phát.

Như vậy, Bitcoin và thị trường tiền mã hoá giờ đây đã có mối liên quan chặt chẽ với thị trường tài chính. Trong đó, những dấu hiệu thay đổi trong chính sách điều hành thị trường của FED, cũng như các vấn đề liên quan tới lãi suất đều ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường tiền mã hoá, giống như thời điểm vào đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào 3/2020.

Tuy vậy, Bitcoin hiện vẫn được coi là kênh chống lạm phát hiệu quả bên cạnh các kênh đầu tư như vàng, trái phiếu hay bất động sản, bởi đây là một loại tài sản số mới có tính chất minh bạch và tính thanh khoản cao.

Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi


Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến ​​thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment