“Creativity takes courage” – Henri Matisse –
Sáng tạo là điều đã ăn sâu vào mỗi người. Trên thực tế, chúng ta đều khác nhau về quan điểm và cách sống nên khả năng nghĩ ra những thứ mới mẻ khiến chúng ta trở nên sáng tạo. Tuy nhiên, để thể hiện ra những thứ bạn đam mê đôi khi cần rất nhiều sự can đảm.
Nghệ thuật không phải thứ nằm ngoài phạm trù ấy. Ngày xưa, một bức tranh của Van Gogh hầu như chẳng có giá trị gì thì bây giờ nó được đấu giá lên đến hàng trăm triệu USD. Và Crypto Art (Nghệ thuật mã hóa) cũng vậy, khi nó mới chào làng những bước đi đầu tiên, người ta mỉa mai và nói “liệu ai lại thèm bỏ tiền ra để mua những thứ không trưng bày được”. Nhưng thời gian trôi qua, Crypto Art ngày càng chứng tỏ được tầm ảnh hưởng của mình khi lần lượt các tác phẩm của những nghệ sĩ như Beeple, Tim Berners-Lee được bán với giá hàng chục triệu USD. Có thể nói, Crypto Art là một làn sóng mới cực mạnh vỗ vào ốc đảo của nghệ thuật truyền thống.
Thị trường mới nổi cho các nghệ sĩ kỹ thuật số này đang dần chiếm được sự quan tâm của rất nhiều người cả trong và ngoài lĩnh vực blockchain. Vậy thì thực chất Crypto Art là gì? Tại sao một sân chơi mới lại có vốn hóa thị trường hơn 2 tỷ USD? Nó khác gì với nghệ thuật truyền thống? Và công nghệ đằng sau Crypto Art là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây từ Bitcoincuatoi.
Crypto Art là gì?
Crypto Art là nghệ thuật kỹ thuật số sử dụng công nghệ blockchain để xác minh quyền sở hữu đối với tác phẩm. Giống như một bức tranh gốc do Picasso ký có thể được công nhận tính xác thực và quyền sở hữu thì Crypto Art cũng có thể được xác minh theo phương thức tương tự bằng cách sử dụng các NFT (Non-Fungible Token). Đây là token đặc biệt đại diện cho một ID duy nhất được liên kết với một tác phẩm mã hóa khiến nó không thể bị sao chép và giữ được giá trị độc nhất của mình. Bạn có thể đính kèm nó vào bất kỳ thứ gì: JPEG, GIF, MP4, thậm chí cả âm nhạc. NFT chứng minh quyền sở hữu tệp ‘gốc’ được lưu trữ trên blockchain, vốn là một sổ cái vĩnh viễn có thể được truy cập từ bất kỳ máy tính nào trên thế giới.
Ở thế giới nghệ thuật truyền thống, một tác phẩm có thể bị sao chép và đem đi bán ở nhiều nơi. Người mua đôi khi không thể phân định được đâu là thật đâu là giả. Nhưng đối với Crypto Art, mỗi tác phẩm như có một ADN riêng mà chỉ có “cha đẻ” của chúng mới có thể tuyên bố tác phẩm là thật 100%. Ngoài ra, họ còn có quyền tự do tạo ra 10 hay 1,000 bản sao giới hạn cho đứa con của mình mà không lo sợ ai đó sẽ làm giả các tác phẩm đó.
Các nhà đấu giá phi tập trung, các bảo tàng thậm chí những người chơi truyền thống cũng đã và đang nhúng chân vào thị trường đầy màu mỡ này. Ví dụ: Christie”s – nhà đấu giá nổi tiếng đã dẫn đầu việc bán Beeple và mang về cho mình doanh thu hơn 69 triệu USD; hay phòng trưng bày Uffizi ở Ý đã đúc và bán một chiếc NFT của Michelangelo với giá $170,000. Và còn rất nhiều bảo tàng khác đang miệt mài thiết kế để cho ra đời những tác phẩm NFT được đúc từ các bộ sưu tập của mình.
Vào tháng 6/2021, Sotheby’s – một nhà đấu giá mang tính biểu tượng của London đã công bố một cuộc đấu giá trực tuyến có tên “Native Digital: A Curated NFT Sale” nhằm giới thiệu các tác phẩm của 27 nghệ sĩ kỹ thuật số. Mục tiêu của sự kiện là phát triển mở rộng thế giới Crypto Art, thu hút cả những người đam mê tiền mã hóa lẫn các nhà sưu tập nghệ thuật truyền thống. Giá thầu bắt đầu ở mức $100 và các khoản thanh toán có thể được thực hiện bằng cả fiat lẫn tiền mã hóa.
Độ nóng của thị trường Crypto Art ngày càng bùng lên hơn khi các tác phẩm nghệ thuật cộng đồ sưu tầm cũ/ mới đều đang được giao dịch trên một số nền tảng khiến tổng khối lượng giao dịch có thể chạm mức hàng tỷ USD.
Sự khác biệt giữa Crypto Art và nghệ thuật truyền thống
Mặc dù đều được gắn mác “Art” nhưng trên thực tế, 2 trường phái nghệ thuật lại có khá nhiều điểm khác biệt.
Nghệ thuật mã hóa có xu hướng ít “lỗi” hơn vì nghệ sĩ có thể hoàn tác bất cứ khi nào họ thích trong khi một tác phẩm truyền thống sẽ khó để làm điều này. Bên cạnh đó, nhà sáng tạo có thể sao chép bao nhiêu bản sao từ tác phẩm gốc của họ để đem bán mà vẫn đảm bảo giá trị của mỗi bản là như nhau. Trong khi các tác phẩm nghệ thuật truyền thống sẽ rất khó để tái tạo hoàn toàn, nguyên xi như bản ban đầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến độ hiếm của tác phẩm đó khiến giá trị của nó bị giảm đi trên thị trường.
Không giống mô hình kinh doanh truyền thống, nơi tác phẩm nghệ thuật được bày bán thông qua các phòng trưng bày thương mại, NFT có thể mua bán không qua trung gian. Nghệ sĩ có thể trực tiếp bán tác phẩm, thường là qua trang đấu giá chuyên nghiệp. Bất kỳ ai cũng có thể mua NFT và giá cả của tác phẩm được công khai, khác với những phòng trưng bày truyền thống vốn giữ kín giá.
Ngoài ra, ở thị trường truyền thống, khi tác phẩm được nhà sưu tập bán lại với giá cao hơn, tác giả gốc gần như không thu được đồng nào. Còn NFT vẫn đem lại lợi nhuận cho tác giả sau mỗi lần được bán lại.
Có người sẽ đặt ra câu hỏi: “Tại sao phải bỏ cả núi tiền trong khi có thể nhấn chuột phải và tải xuống?” – Đây là quan niệm sai lầm lớn nhất. Có một sự khác biệt to lớn giữa việc download một tấm hình trên mạng so với việc sở hữu bản gốc được hỗ trợ bởi NFT. Hình ảnh bạn đã tải xuống là hoàn toàn vô giá trị, trong khi hình ảnh được hỗ trợ NFT là tác phẩm nghệ thuật gốc của một nghệ sĩ. Hình ảnh và bản sao sẽ không bao giờ có được giá trị như một bản gốc.
Giá bán của các NFT cũng là một câu chuyện khác bị đem ra chế nhạo khi có người hoài nghi và cho rằng các món đồ đó không xứng đáng với giá trị mà chúng được bán ra. Tuy nhiên, thực tế là những sản phẩm Crypto Art chẳng khác gì với nghệ thuật truyền thống ở mặt giá trị. Không ai sưu tầm những đôi sneakers phiên bản giới hạn, quần áo thiết kế, thẻ bài Pokemon để lấy giá trị vật liệu của chúng mà thứ họ coi trọng chính là ở lượng chất xám mà những người sáng tạo đã bỏ ra.
Đối với người mua, lợi ích rõ ràng nhất của các sản phẩm Crypto Art mà họ nhận được chính là quyền sở hữu. Bạn nghĩ sao nếu blockchain lưu trữ tên bạn dưới mã ID của món đồ NFT mà bạn đã mua? Ngầu quá phải không nào! Còn đối với những nhà đầu tư tài sản mã hóa, NFT như một món đầu cơ mà họ có thể mua rồi kiếm lợi nhuận khi giá trị của nó tăng lên trong tương lai.
NFT hoạt động như thế nào?
NFTs hoặc Non Fungible Tokens, là các tài sản tokenized (mã hóa), đồng thời, chúng cũng là duy nhất và có nhiệm vụ cung cấp bằng chứng xác thực, quyền sở hữu. Nói cách khác – NFT có nghĩa là bạn có thể sở hữu thứ gì đó có thể xác minh được trên blockchain.
Là một người sáng tạo, bạn phải xác định được NFT sẽ trông như thế nào trong tương lai. Nếu chúng ta xem nghệ thuật như một góc nhìn cơ bản, chúng là những sáng tạo hữu ích để sử dụng hàng ngày. NFTs sẽ mở ra các không gian ảo trực tuyến, mà trong đó “Mọi người đều là Người sáng tạo”.
NFT có thể là:
- Tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc.
- Tư cách thành viên và nhóm cộng đồng.
- Vùng đất ảo và các vật phẩm game như vũ khí, hình đại diện, tiền ảo và trang phục.
- Sưu tầm những thứ như digital trading cards (thẻ giao dịch kỹ thuật số) hoặc CyberPunks.
- Các phiên bản tokenized (mã hóa) từ những thứ của thế giới thực: các phiên bản giới hạn NBA (‘LE’) đến thậm chí cả ô tô và ngựa đua.
- Đoạn video đặc biệt ghi lại các siêu sao và những khoảnh khắc thể thao mang tính biểu tượng.
Tìm hiểu sâu hơn về NFT tại đây.
Thị trường của Crypto Art
Có hàng trăm sân chơi dành cho cộng đồng đam mê các sản phẩm mã hóa, bao gồm mọi thứ từ nghệ thuật mã hóa đến giao dịch bất động sản, kể cả lĩnh vực gaming. Việc đầu tư vào NFT có thể không đem lại cho bạn một nguồn lợi nhuận khủng như tiền mã hóa hay chứng khoán, tuy nhiên chúng lại có ý nghĩa rất to lớn đối với cộng đồng những nhà sáng tạo nói riêng.
NFT sử dụng tiêu chuẩn token ERC-721, đây là một hợp đồng thông minh chống giả mạo được xây dựng trên Ethereum nhằm đảm bảo tính xác thực của một tệp kỹ thuật số. Nhiều nền tảng tiền mã hóa cho phép nghệ sĩ lần nhà sáng tạo hoặc ngay cả những người bình thường nhất cũng có thể dễ dàng khai thác thế giới CryptoArt thông qua NFT. Tất cả những gì bạn phải làm là mở tài khoản, tải tác phẩm của bạn lên và thêm nó vào blockchain.
OpenSea
OpenSea được biết đến là sàn giao dịch các vật phẩm kỹ thuật số NFT hoàn toàn phi tập trung đầu tiên và lớn nhất toàn cầu. Trong đó, nền tảng cho phép người dùng tạo lập tài khoản để mua bán, trao đổi và giao dịch những vật phẩm sưu tầm, trò chơi trong game hoặc những sản phẩm blockchain dựa trên hoạt động của Smart Contract mà không bị kiểm soát. Về cơ bản, OpenSea tương tự như một eBay dành cho NFT cùng hàng triệu tài sản được sắp xếp thành hàng trăm loại.
Hiện tại, OpenSea có hơn 10 triệu lượt truy cập trang web của người dùng vào mỗi tháng. Đặc biệt, OpenSea còn là nền tảng cho ra đời những dự án NFT phổ biến nhất như Cryptopunks, Axie Infinity, Gods Unchained, CryptoKitties, SuperRare,… Bên cạnh đó, nền tảng còn thu hút sự chú ý và tham gia của hàng loạt những nghệ sĩ nổi tiếng như Mark Cuban, Gary Vaynerchuk và Chamath Palihapitiya.
Việc thanh toán trên OpenSea có thể được thực hiện với hơn 200 loại tiền mã hóa bao gồm: Ether (ETH), Bitcoin (BTC), USD Coin (USDC), Decentraland (MANA), Sandbox (SAND),…
Art Blocks
Art Blocks là một nền tảng tạo nội dung được xây dựng trên Ethereum. Các nghệ sĩ mã hóa có thể sử dụng nền tảng này để tạo hình ảnh, nội dung tương tác và mô hình 3D. Nền tảng này cũng cho phép người sáng tạo hình thành nên các NFT và thêm nó vào blockchain.
Art Blocks đã có tác động lớn đến thị trường NFT kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2020. Riêng khối lượng giao dịch của nó vào thời điểm tháng 8/2021 đã vượt qua 586 triệu USD, theo dữ liệu từ CryptoSlam.
Foundation
Foundation đã hoạt động từ năm 2020 và có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nền tảng này nhằm mục đích cung cấp một ngôi nhà cho các nghệ sĩ thúc đẩy không gian và phương tiện tiên tiến cũng như thử nghiệm các phương pháp tiếp cận sáng tạo mới.
Những nhà sáng tạo đem tác phẩm của họ ra đấu giá sẽ nhận được 85% giá bán cuối cùng. Nếu tác phẩm của họ được bán lại trên Foundation hoặc các thị trường NFT khác như OpenSea hoặc Art Blocks, thì họ được hưởng 10% tiền bản quyền – mãi mãi. Kể từ khi ra mắt vào tháng 2/2021, những nhà sáng tạo của Foundation đã kiếm được hơn 142 triệu USD – một con số cực khủng.
Một vài NFT nổi tiếng
Nyan Cat
Nyan cat (hay còn gọi là Pop-tart Cat) là 1 đoạn video hoạt họa dạng 8 bit mô tả 1 con mèo với phần thân là chiếc bánh anh đào Pop-tart bay bên ngoài không gian. Mặc dù hoàn toàn vô nghĩa và có vẻ ngớ ngẩn nhưng sự kết hợp của những yếu tố đáng yêu như mèo con bay, bánh ngọt anh đào đã khiến đoạn video bất ngờ được cộng đồng mạng, đặc biệt là giới nghệ thuật yêu thích.
Và điều thú vị hơn là 10 năm sau ngày nó được sinh ra thì một phiên bản mã hóa của Nyan Cat đã được Torres bán với giá 300 ETH, tương đương $590,000.
Homer Pepe
Homer Pepe là một thẻ hiển thị hình thái giữa Pepe the Frog và Homer Simpson. Pepe the Frog là một bộ phim hoạt hình ếch xanh hình người từ những năm 2000 đã được phổ biến trên 4chan, Myspace và Gaia Online.
Văn hóa Meme phổ biến trong những người đam mê tiền mã hóa, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Homer Pepe được trưng bày trong Lễ hội nghệ thuật kỹ thuật số Rare Art Labs vào năm 2018. Thẻ được Kell mua lại tại cuộc đấu giá trực tiếp đầu tiên cho nghệ thuật blockchain với giá $38,500 – được cho là mức giá cao nhất cho một NFT vào thời điểm đó. Tuy nhiên chưa đầy 3 năm sau, Kell đã có thể bán nó với giá tương đương $320,000 (205 ETH).
CryptoKitties
CryptoKitties là một trò chơi nuôi mèo ảo, nhiệm vụ của người chơi là lai tạo các giống mèo được gọi là CryptoKitties và sau đó trao đổi, buôn bán bằng tiền mã hóa.
Sự mới lạ của loại hình “nuôi thú cưng” mới này khiến chúng trở thành 1 hiện tượng ngay từ khi mới ra mắt vào năm 2017. Đến năm 2018, có hơn 1 triệu con mèo đã được nhân giống. 1 trong số chúng thậm chí được bán với giá $140,000 tại buổi đấu giá Codex + Rare Ethereal Art của Hội nghị thượng đỉnh Ethereal năm 2018. Loại đắt nhất được bán cho đến nay là CryptoKitty Dragon, được bán với giá $172,000 tương đương 600 ETH, vào năm 2018.
Beeple
Beeple là nghệ danh của nghệ sĩ kỹ thuật số người Mỹ – Michael Joseph Winkelmann, người nổi tiếng với việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật bình luận xã hội và chính trị. Anh ấy đã gây chú ý vào tháng 3/2021 sau khi tác phẩm “Everydays: the First 5000 Days” của anh ấy thu về số tiền 69.3 triệu USD tại Christie’s. Tác phẩm là một tập hợp gồm 21,069 x 21,069 pixel tạo thành một tác phẩm ghép ảnh kỹ thuật số. Đây là tác phẩm Crypto Art đầu tiên được đấu giá bởi một nhà đấu giá lớn.
Bored Ape
Bored Ape Yacht Club (BAYC) là một bộ sưu tập với 10,000 NFT hình “vượn người” (ape) phát hành dưới dạng token ERC-721 trên Ethereum vào tháng 4/2021 bởi YugaLabs. Mỗi Ape đều có những câu chuyện và lịch sử của riêng nó. Chúng lấy cảm hứng từ các thể loại nghệ thuật đường phố như Punk rock và hip hop thập niên 80, 90.
Mức độ nổi tiếng của dự án đã đạt đến một tầm cao mới khi trong ngày 28/08/2021, huyền thoại bóng rổ Mỹ Stephen Curry đã dùng 55 ETH (khoảng 180,000 USD) để mua một bức Bored Ape làm ảnh đại diện Twitter.
Thách thức của Crypto Art
Bạn cần phải hiểu rằng không phải tất cả NFT đều được lưu trữ giống nhau. Một trong những tính năng hình thành nên NFT chính là quyền sở hữu và khả năng xác minh nguồn gốc của chúng. Như chúng ta đã biết, những điều này chỉ có thể thực hiện trên các blockchain phi tập trung như Ethereum.
Và vấn đề chính là chúng ta không thể lưu trữ các tệp hình ảnh có độ phân giải cao trên chính blockchain mà các NFT chỉ có thể bao gồm một liên kết đến tác phẩm thực tế, metadata (siêu dữ liệu) của nó sau đó được lưu trữ off-chain.
Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém chính là Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Các dự án không thực sự thống nhất được với nhau về việc sở hữu tác phẩm. Ví dụ một số NFT cho phép chủ sở hữu sử dụng chúng theo cách họ muốn, trong khi đó một vài dự án khác lại hạn chế khả năng sử dụng NFT và nhà sáng tạo vẫn có quyền đối với NFT của họ.
Phí giao dịch trên Ethereum cũng là một vấn đề đối với các nhà đầu tư. Phí gas này có thể tăng chóng mặt khi cơn cuồng NFT bị đẩy lên quá cao. Điều này dẫn đến tình trạng một số người dùng không thể tham gia được vào việc mua bán hoặc một số người trả giá quá cao cho các tác phẩm này. Giải pháp là các NFT nên chuyển sang giải pháp layer 2 để giải quyết vấn đề phí gas cao.
Cơ sở hạ tầng để mua, bán và trưng bày NFT cũng là một rào cản đáng kể. Hiện tại, phần lớn khối lượng giao dịch đều diễn ra trên OpenSea. Trong tương lai, người ta hy vọng sẽ có thêm nhiều sàn phi tập trung để các giao dịch trao đổi có thể diễn ra thuận tiện và dễ dàng hơn.
Lời kết
Nhìn chung, cơn sốt Crypto Art dự đoán sẽ còn phát triển mạnh mẽ và “khuấy đảo” thị trường đầu tư ở nhiều ngành nghề trong tương lai. Khi mà xu hướng công nghệ số phát triển, việc đầu tư vào các sản phẩm trực tuyến trở thành thị trường giàu tiềm năng, mang lại nhiều điều thú vị và thậm chí là doanh thu hấp dẫn cho những ai biết nắm bắt.
Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.