Tại sao “Kẻ giết Ethereum” Solana lại tuột dốc thảm hại từ đỉnh ATH?

Solana – Blockchain được mệnh danh là “Kẻ tiêu diệt Ethereum” – đã trải qua ba tháng vô cùng sóng gió khi token của nó (SOL) đã giảm khoảng 70% từ mức cao nhất được thiết lập vào tháng 11/2021 là $260.06. Ở thời điểm viết bài, SOL đang được giao dịch ở khoảng giá $82. Bên cạnh giá tuột cầu trượt thì TVL của hệ sinh thái cũng giảm đáng kể. So với TVL hồi tháng 12 là gần 15 tỷ USD, thì con số TVL hiện tại chỉ khoảng 6.82 tỷ USD đúng là một nỗi buồn của Solana.

Có lẽ “đối thủ của Ethereum” này vẫn đang loay hoay để tìm đường quay lại thời kỳ hoàng kim của mình. Nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao Solana lại có màn quay xe đáng buồn như vậy? Hãy cùng theo dõi lý do thông qua bài viết ngày hôm nay từ Bitcoincuatoi nhé!

Chuyện gì đã xảy ra với Solana?

Blockchain Solana bị đóng cửa hàng loạt hoặc mất mạng

Câu chuyện của Solana có lẽ bắt đầu vào một ngày giữa tháng 9, cụ thể là ngày 14/9/2021, lúc 19:38 (theo giờ Việt Nam). Tài khoản Twitter của Solana thông báo rằng bản beta mainnet của Solana đã bị mất ổn định liên tục và rơi vào trạng thái ngoại tuyến trong khoảng thời gian gần 17 tiếng. Các hoạt động on-chain trên hệ sinh thái trị giá hàng tỷ USD bị đóng băng ngay lập tức, bao gồm các giao dịch, staking và cho vay.

6 giờ sau khi thông báo về sự cố, Solana giải thích rằng sự gia tăng lớn về tải lượng giao dịch lên 400,000 mỗi giây đã khiến mạng quá tải, tạo ra tình trạng từ chối dịch vụ và khiến mạng bắt đầu phân nhánh. Các kỹ sư của Solana khi đó đã không thể ổn định mạng nên cộng đồng các Validator đành chọn cách khởi động lại mạng lưới. 

Thông báo về sự cố trên Twitter của Solana.
Nguồn: Twitter

Sự cố ngừng hoạt động này xảy ra trong bối cảnh mối quan tâm với Solana đang bùng nổ và mạng lưới đang tìm cách thu hút sự chú ý từ phố Wall. Vì vậy có thể nói, vụ việc xảy ra vào ngày 14/9/2021 đã đánh gục niềm tin của các nhà đầu tư khi giá SOL ngay lập tức giảm 15% trong 12 tiếng đồng hồ. 

Biểu đồ giá của SOL ngày 15/9/2021 sau khi xảy ra sự cố. Nguồn: TradingView

Nhưng đó chưa phải lần “nhọ” duy nhất của Solana. Không lâu sau đó, ngày 21/1/2022, người dùng của Solana tiếp tục chứng chiến Blockchain này đột ngột “đóng cửa, không tiếp khách”. Vấn đề vẫn như lần trước khi hệ thống bị tắc nghẽn nghiêm trọng và các bot thực hiện “các giao dịch trùng lặp quá mức”. May mắn hơn lần trước, Solana chỉ mất 24 tiếng để giải quyết sự cố này. Nhưng tin buồn là người dùng DeFi của họ đã gánh chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.

Cụ thể, khách hàng của Solend – một giao thức phi tập trung để vay và cho vay trên Blockchain Solana, đã báo cáo rằng các giao dịch của họ bị thanh lý do họ không thể hoàn trả các khoản vay hoặc thêm thanh khoản vào danh mục đầu tư của mình. Mặc dù Solana đã làm việc và giải quyết dần những khoản lỗ cho người dùng nhưng niềm tin đã mất, Solana một lần nữa hứng chịu cơn mưa tẩy chay từ một bộ phận cộng đồng tiền mã hóa. 

Solana liên tục bị tấn công DDos

Có vẻ Solana là đứa “con cưng” của các vụ tấn công Distributed Denial of Service (DDos). Hiểu một cách đơn giản thì DDoS là việc kẻ tấn công, bằng một cách nào đó (có thể là sử dụng bot net) để điều hướng một lượng lớn truy cập đến mạng lưới trong cùng một thời điểm. Nó giống như cách một website bị tấn công DDoS sẽ dẫn đến việc không ai có thể truy cập được trong suốt thời điểm vụ tấn công xảy ra. Điều này thường xảy đến với các dịch vụ với cách thức lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ tập trung hiện nay.

Về lý thuyết thì điều này sẽ khó xảy ra đối với các mạng lưới Blockchain phi tập trung. Bởi lẽ, trong trường hợp này, máy chủ lưu trữ dữ liệu được phân tán khắp nơi trên thế giới. Ví dụ, mạng lưới Bitcoin có hàng chục ngàn node công khai trải khắp thế giới. Điều này dẫn đến việc hầu như khó có thể tấn công được toàn bộ mạng lưới trong cùng một thời điểm. Như vậy, nếu cuộc tấn công DDoS vào mạng Solana là chính xác, rất có thể mạng chỉ có một số lượng nhỏ các node đang hoạt động tại thời điểm đó. Hay nói đúng hơn, mạng lưới đang vận hành khá tập trung ở thời điểm hiện tại.

Biến động giá SOL sau vụ tấn công DDoS vào ngày 10/12/2021.
Nguồn: CoinGecko

Một lần nữa, giá SOL lại biến động theo chiều hướng đi xuống. Chúng ta có thể để ý rằng trong hầu hết các vụ tấn công gây tắc nghẽn trên mạng Solana, giá SOL lại thụt lùi như một dấu hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư dành cho mạng lưới này ngày càng giảm dần. 

Rõ ràng, Solana chắc chắn không phải là Blockchain duy nhất gặp vấn đề khi giá giảm. Nhưng các vấn đề của mạng lại trở thành tâm điểm chú ý vì về cơ bản, Solana đã trở thành “con cưng” của các cửa hàng giao dịch lớn trong ngành công nghiệp tiền mã hóa và hơn thế nữa.

Qua sự việc trên thì chúng ta cũng có thể thấy được Ethereum vẫn ở một cái tầm rất khác, không hổ danh là hợp đồng thông minh lớn nhất thế giới, kẻ thống trị thị trường trong mấy năm qua.

Solana trôi theo dòng chảy tiêu cực của thị trường Crypto

Bất kể ai trong chúng ta cũng nhìn nhận được thị trường kể từ cuối tháng 11 đã liên tục phải trải qua những đợt sóng dữ, có đợt mạnh, có đợt yếu, nhưng nhìn chung không đồng coin/ token nào không chịu ảnh hưởng từ các con sóng này. Trong Bear Market thì kể cả những đồng coin lớn nhất như Bitcoin hay Ethereum cũng rớt thảm hại, hàng chục triệu nhà đầu tư đu đỉnh và ít nhiều lần rơi vào trạng thái hoảng loạn vô cùng. Rõ ràng nhất là vốn hóa thị trường đã rơi từ đỉnh hơn 3,000 tỷ USD xuống chỉ còn khoảng 1,600 tỷ USD. 

Từ những tin tức về các chính sách thắt chặt tiền mã hóa của nhiều quốc gia, đến hệ quả chiến tranh, dịch bệnh,… Solana nói riêng và Crypto nói chung đều phản ứng nhưng hầu hết theo xu hướng tiêu cực với sự biến động này.

Việc sử dụng dApp trên Solana đang giảm

Chỉ số ứng dụng phi tập trung (dApp) chính của Solana bắt đầu thể hiện sự yếu kém vào đầu tháng 11 sau khi tổng giá trị của mạng bị khóa (TVL) bắt đầu sụt giảm ở mức 15 tỷ USD.

Theo dữ liệu của DappRadar, vào ngày 28/1/2022, số lượng địa chỉ mạng Solana tương tác với các ứng dụng phi tập trung đã giảm trung bình 18%. Sự thay đổi tích cực duy nhất là Solend, một giao thức cho vay theo thuật toán.

Sự quan tâm giảm xuống đối với Solana dApp cũng được phản ánh trong hợp đồng mở tương lai của nó, đạt đỉnh 2 tỷ USD vào ngày 6/11/2021 và gần đây đã bị ảnh hưởng bởi một đợt điều chỉnh mạnh.

Nguyên nhân đến từ sự suy giảm này có thể bắt nguồn từ việc cạnh tranh quá gay gắt và khốc liệt, bất kể ai cũng muốn tranh giành miếng bánh về cho mình. Sự phát triển nhanh chóng của các đối thủ như Avalanche, Terra, Near,… đã khiến “đối thủ Ethereum” không còn sức hấp dẫn như ngày xưa.

Nhiều dự án trong hệ chưa có định hướng phát triển tốt

Hệ sinh thái Solana.
Nguồn: Solanians

Như chúng ta có thể thấy, Solana có một hệ sinh thái thuộc hàng “khủng” với danh sách các dự án dày đặc. Tuy nhiên việc mở rộng số lượng quá lớn các sản phẩm có thể là lý do khiến Solana “kiệt sức” và không chú trọng vào việc phát triển cộng đồng cho mỗi dự án.

Rõ ràng khi bạn có quá nhiều sản phẩm nhưng không phải tất cả chúng đều chất lượng thì người tiêu dùng cũng không đến với bạn. Solana là một minh chứng. Đôi khi chính sự mở rộng quá nhanh như vậy lại là lý do khiến hệ sinh thái hoạt động trì trệ đi do chúng có mối liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi mắt xích yếu đều có thể kéo tất cả sản phẩm ở trên xuống.

Nhiều nhà đầu tư chỉ đang “đầu cơ” vào Solana

Một trong những thách thức của việc đầu tư tiền mã hóa đó là việc đầu cơ diễn ra phổ biến. Mọi người mua một loại tiền mã hóa nào đó nhưng không thật sự hiểu biết về nó, họ thấy giá nó đang tăng và hy vọng bản thân cũng bắt được con sóng đó. Điều này có nghĩa là giá 1 đồng coin/ token thường bị đẩy đến mức không bền vững.

Trong trường hợp của Solana, nhiều nhà phê bình cho rằng sự tăng giá quá nhanh của SOL từ tháng 7 đến tháng 11 là quá nóng. Nhiều người sợ bỏ lỡ và nhảy vào khiến giá của nó càng lúc càng tăng phi mã hơn nữa. Vì vậy, có lẽ không quá lạ nếu SOL “kiệt sức” sau khi tăng trưởng 11,000% trong năm 2021.

Liệu có ánh sáng ở cuối đường hầm?

Mặc dù Solana bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các nền tảng hợp đồng thông minh tương tự, nhưng đó không phải dấu chấm hết cho Solana. Dự án đã có một giai đoạn phát triển rực rỡ là có lý do của nó, đó chính là động lực mà Solana cần bám vào để có thể nhanh chóng giành lại “ngôi vị” mà nó xứng đáng đạt được. Vậy những lý do khiến nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào Solana là gì?

Tốc độ và chi phí hấp dẫn

Solana chắc chắn là một đối thủ tiềm năng của Ethereum phần lớn là nhờ tốc độ của nó. Solana có thể hỗ trợ hàng chục nghìn giao dịch mỗi giây so với chỉ khoảng 13 giao dịch của Ethereum, hiện đang hoạt động trên mô hình Proof-of-Work (PoW), yêu cầu các thợ đào phải hoàn thành các phép tính phức tạp để xác thực giao dịch. 

Mô hình Proof-of-History (PoH) và Proof-of-Stake (PoS) của Solana xác minh các giao dịch dựa trên quyền sở hữu tiền mã hóa. Việc dễ dàng xác minh này cũng giúp Solana có phí thấp hơn Ethereum rất nhiều. Solana tính phí $0.00025 cho mỗi giao dịch, trong khi một giao dịch điển hình trên Ethereum có thể lên đến $30. Chỉ riêng yếu tố này đã khiến việc thực hiện các giao dịch DeFi hoặc mua vào các ưu đãi ban đầu (IDO và IEO) với Ethereum trở nên rất tốn kém. 

Hệ sinh thái ngày càng mở rộng

Như đã đề cập ở trên, hệ sinh thái Solana là một khu tổ hợp khổng lồ với hơn 1300 dự án. Các dự án này bao gồm mọi thứ từ các ứng dụng DeFi như ứng dụng cho vay/ cho vay và sàn giao dịch phi tập trung, và tất cả những thứ khác như ứng dụng truyền thông xã hội và meme-coin.

Ngoài ra, Solana đã thu hút được một lượng lớn phương tiện truyền thông xã hội sau:

Nguồn: Internet

NFT và hợp đồng thông minh

Ethereum là Blockchain đầu tiên giới thiệu các hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, sự phổ biến của các hợp đồng thông minh và dApps đã dẫn đến sự tắc nghẽn trên mạng Ethereum, mở ra cánh cửa cho các lựa chọn thay thế nhanh hơn. Solana cũng đang nhanh chóng giành được thị phần trong miếng bánh NFT đang nở rộng. Thị trường NFT Solanart chạy trên mạng Solana, cho phép người mua NFT tận hưởng tốc độ giao dịch nhanh hơn và phí thấp hơn so với người mua trên mạng Ethereum. 

Sở hữu một đội ngũ chất lượng cao

Đội ngũ của Solana bao gồm các kỹ sư chất lượng cao. Những người này thường có kinh nghiệm từ các công ty lớn như Qualcomm, Apple, Google, Dropbox và Microsoft.

Điển hình có thể kể đến như:

  • Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập – Anatoly Yakovenko: Anh là một cựu kỹ sư phần mềm tại Dropbox và Mesosphere. Ngoài ra, Yakovenko cũng từng là giám đốc kỹ sư cao cấp tại Qualcomm Boulder và đồng sáng lập Alescere.
  • CTO và Đồng sáng lập – Greg Fitzgerald: Fitzgerald là một cựu kỹ sư phần mềm cao cấp tại Qualcomm Boulder và cũng từng là kỹ sư phần mềm hệ thống tại Alescere.
  • COO và Đồng sáng lập – Raj Gokal: Anh là một nhà đầu tư mạo hiểm tại General Catalyst. Ngoài ra, anh cũng cựu giám đốc sản phẩm tại Odama Health, doanh nhân cư trú tại Rock Health và là CEO, đồng sáng lập của Sano.

Chúng ta có thể mong đợi gì từ Solana trong tương lai?

Mặc dù sự trưởng thành của Solana đã gặp rất nhiều trở ngại từ chính bản thân nó và từ thị trường, nhưng nhìn nhận vào thực tế, Solana đã có một năm 2021 vô cùng rực rỡ khi đồng coin của nó, SOL đã vươn lên vị trí top 10 trong tổng vốn hóa thị trường.

Solana nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của ngành, chủ yếu là tốc độ và khả năng mở rộng để áp dụng trên toàn cầu. Solana muốn làm điều này mà không ảnh hưởng đến bất kỳ tính năng nội tại nào của giao thức Layer-1 vững chắc.

Với số lượng dự án thuộc hàng khủng, Solana được rất nhiều nhà phát triển chọn xây dựng trên hệ sinh thái này, các sản phẩm của Solana vẫn nhận được vô số sự ủng hộ từ những bên có tiềm lực tài chính lớn. Ngoài ra mảng game đang được Solana khai thác vô cùng triệt để nên đây có thể là nhánh phát triển tiếp theo của hệ sinh thái này.

Cuối cùng, Solana nhằm mục đích giải quyết vấn đề nan giải của Blockchain, vốn cho rằng một hệ thống phi tập trung chỉ có thể đáp ứng 2 trong 3 đặc tính cơ bản: khả năng mở rộng, bảo mật và phân quyền. Solana nói rằng 8 đổi mới chính của nó đã giải quyết được vấn đề nan giải này, bao gồm: Proof-of-History, BFT & PBFT, Turbine – giao thức Block Propagation, Gulf Stream – giao thức chuyển tiếp giao dịch không cần Mempool, Sealevel – thời gian chạy hợp đồng thông minh song song, Pipelining – đơn vị xử lý giao dịch để tối ưu hóa xác thực, Cloudbreak – cơ sở dữ liệu tài khoản mở rộng theo chiều ngang, Lưu trữ sổ cái phân tán.

Lời kết

Có rất nhiều yếu tố địa chính trị và kinh tế vĩ mô đã ảnh hưởng đến giá tài sản mã hóa suốt từ đầu năm đến nay như: Tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ gần đây đã chạm mức cao nhất trong 40 năm, với việc Cục Dự trữ Liên bang báo hiệu việc tăng lãi suất để đáp trả. Căng thẳng gia tăng xung quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự không chắc chắn về quy định xung quanh Lệnh điều hành ​​của Tổng thống Biden về tiền mã hóa cũng đã đè một tảng đá cực nặng lên thị trường.

Thị trường thường không phản ứng tốt với sự không chắc chắn và tiền mã hóa đang nằm ở phần cuối của đường cong rủi ro, chúng thường là tài sản đầu tiên mà các nhà đầu tư bán trong thời gian thị trường hỗn loạn. Vậy nên chúng ta cũng cần chờ đợi một thời gian để mọi thứ có thể quay về quỹ đạo của nó và Solana cũng vậy. 

Trên thực tế, Solana đã chứng tỏ mình là một đối thủ thật sự của Ethereum chứ không phải lời đồn. Thông qua sự phát triển và mở rộng của hệ sinh thái, Solana vẫn vững chân tại Top 10 đồng coin có giá trị lớn nhất thị trường cho nên việc Solana quay trở lại đường đua chỉ còn là chuyện một sớm một chiều.


Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến ​​thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment