Hiểu về ưu nhược điểm trong không gian DeFi

DeFi đã trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của hệ sinh thái tiền mã hóa, thay đổi cuộc chơi trong không gian blockchain. Có thể ví von DeFi như một chiến mã, mở ra hướng đi mới cho toàn bộ lĩnh vực này trên phạm vi toàn cầu.

Với tiềm năng to lớn và sự phát triển đầy tham vọng của các dự án liên quan trong những tháng qua, người ta tin rằng, việc DeFi có thể gây rối cho các tổ chức tài chính truyền thống, chỉ còn là vấn đề về thời gian.

Vậy cụ thể DeFi là gì? Team Bitcoincuatoi đã có một bài viết chi tiết về chủ đề này tại đây

Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các loại DeFi cũng như những ưu, nhược điểm của nó nhé!

Đôi nét ngắn gọn về DeFi

DeFi là từ viết tắt của Decentralized Finance hay còn gọi là Tài Chính Phi Tập Trung.

Nói một cách đơn giản, DeFi là phiên bản tiền mã hóa của ngành tài chính. Nhưng điểm khác biệt với nền tài chính truyền thống là DeFi không có cơ quan quản lý tập trung. Cộng đồng sẽ cùng nhau đưa ra tất cả các quyết định quan trọng.

Hầu hết dịch vụ và ứng dụng DeFi đều được xây dựng trên các blockchain công khai. Ngoài ra, nó cũng cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tài chính của họ thông qua ví cá nhân và các nền tảng giao dịch tương tác trực tiếp với khách hàng thay vì thông qua những tổ chức.

Các ứng dụng DeFi có thể bao gồm một loạt lĩnh vực như:

  • Dự đoán thị trường
  • Các sản phẩm phái sinh
  • DAO
  • Bảo hiểm
  • Yield farming
  • Trao đổi và thanh khoản
  • Borrowing và Lending
  • Stablecoin
  • Marketplace

Ưu & Nhược điểm trong không gian DeFi

Ưu điểm

DeFi giúp việc gia nhập thị trường tài chính trở nên dễ dàng hơn: Ở DeFi việc tín nhiệm hoàn toàn là điều không cần thiết. Bạn không cần phải chứng minh danh tính hay khả năng hoàn trả khoản vay của mình. Luật chơi được đưa ra và các bên phải tuân theo luật chơi đó. Và lúc này, smart contract chính là trọng tài giúp duy trì luật chơi và đảm bảo quyền lợi của các bên.

Không cần các tổ chức trung gian: Với công nghệ blockchain đứng sau để “chống lưng”, DeFi loại bỏ được yếu tố trung gian như ngân hàng hay Chính phủ. Lúc này bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với các sản phẩm dịch vụ về tài chính mà không cần phải được sự cho phép và quản lý bởi các cơ quan này.

DeFi đẩy giá crypto lên cao: Kể từ khi DeFi ra đời, giá trị vốn hóa thị trường của các dự án lớn trong phân khúc đã tăng lên đáng kể. Giá một số đồng coin thậm chí đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một năm.

Tăng tính toàn diện hơn của các dịch vụ tài chính: Bằng cách cung cấp các công cụ tự động cho tất cả mọi người, với việc thực hiện minh bạch và không phân biệt đối xử.

Nhược điểm

Khả năng mở rộng, thông lượng và phí giao dịch cho các nền tảng thanh toán blockchain còn hạn chế. Việc sử dụng năng lượng còn làm dấy lên lo ngại về việc góp phần làm biến đổi khí hậu.

Tính hợp pháp chưa được công nhận: Bản thân DeFi hay thậm chí là công nghệ blockchain vẫn còn đang là một dấu hỏi lớn hiện nay. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, blockchain và các sản phẩm của nó vẫn chưa được xem là hợp pháp. Điều này có nghĩa là nếu có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra, sẽ không có ai bảo lãnh hay giải quyết cho bạn cả.

Tính thanh khoản kém: Thị trường DeFi hiện tại vẫn không thể lớn như các hệ thống tài chính truyền thống. Vì vậy, có thể khó đặt niềm tin của người dùng vào một lĩnh vực không mang lại nhiều lợi nhuận như lĩnh vực tài chính thông thường.

Rủi ro về vấn đề tập trung hoá: Blockchain không thể truy cập thông tin ngoài chuỗi. Vì vậy, cần có bên thứ ba cung cấp dữ liệu trong thế giới thực cho blockchain, điều này làm cho dữ liệu bị tập trung hóa và dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến tập trung.

Các cuộc tấn công, hack DeFi: Các dự án DeFi dễ bị tấn công. Lý do có thể là vì sử dụng sai giao thức của bên thứ ba hay lỗi logic nghiệp vụ, lỗi mã hóa, cho vay nhanh, thao túng giá và các cuộc tấn công của thợ đào.

Các loại DeFi

Borrowing và Lending

Người dùng có thể vay một tài sản tiền mã hóa bằng cách cung cấp một tài sản khác làm tài sản thế chấp. Với các giao thức DeFi, quá trình cho vay/ đi vay này sẽ trở nên minh bạch và dễ dàng hơn rất nhiều.

Các dự án lending lớn nhất trên thị trường DeFi hiện tại là Aave, Compound và Maker. Khi thực hiện giao dịch trên những nền tảng này, người dùng muốn trở thành “người cho vay” cần cung cấp token của họ vào nơi được gọi là “marketplace”. Điều này được thực hiện bằng cách một cá nhân gửi tài sản của họ đến một hợp đồng thông minh – đóng vai trò như một trung gian kỹ thuật số tự động – sau đó các coin sẽ có sẵn cho những người dùng khác để vay.

Giá trị của tài sản thế chấp luôn cao hơn giá trị khoản vay để đảm bảo trong trường hợp không trả được nợ, tài sản thế chấp có thể được sử dụng để bù đắp tổn thất của người cho vay. Trong trường hợp giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống dưới tỷ lệ quy định, thì người cho vay có thể phạt người đi vay và thậm chí thanh lý tài sản thế chấp của họ trên thị trường mở. 

ƯU ĐIỂMNHƯỢC ĐIỂM

Đối với người cho vay: người cho vay có thể sử dụng nguồn coin/ token chưa sử dụng đến để kiếm thêm lợi nhuận mà không phải giao dịch mua, bán trên thị trường.

Đối với người đi vay: người đi vay có thể sử dụng khoản vay để nâng cao lợi nhuận khi bạn có nguồn vốn nhỏ nhưng có thể thực hiện giao dịch margin.

Hình thức Lending trên các nền tảng lending hay sàn giao dịch đều được cung cấp những tùy chọn khác nhau để phù hợp với mục đích và nhu cầu của người cho vay/ đi vay.
Nhược điểm lớn nhất của hình thức lending là sự biến động giá của các đồng coin. 

– Đối với người cho vay, nếu đồng coin cho vay mất giá thì số tiền lãi họ nhận không đủ bù đắp số tiền lỗ này. 

Đối với người đi vay có thể bị mất tài sản thế chấp nếu giá coin giảm xuống.

Các sản phẩm phái sinh

Phái sinh là một sản phẩm khác của DeFi. Chúng có thể bao gồm bất kỳ thứ gì từ token được hỗ trợ bằng tài sản, đến bảo hiểm thay thế, hay các giao thức oracles hoặc p2p phi tập trung cho các thị trường dự đoán.

Các công cụ phái sinh trong DeFi cung cấp tính linh hoạt cao trên nhiều tài sản và nền tảng. Hợp đồng thông minh (Smart contract) có thể phát hành các hợp đồng phái sinh được thực thi tự động và không cần sự cho phép của ai cả. Có hai mục đích chính của việc sử dụng một công cụ phái sinh:

  • Để bảo vệ chính nó khỏi biến động giá trong tương lai bằng cách ký hợp đồng mua một tài sản với giá cố định.
  • Để đạt được lợi nhuận bằng cách suy đoán xem giá của thực thể đó sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai.

Có 4 dạng phái sinh:

  • Future: Tại đây, người mua phải mua một tài sản theo tỷ giá đã thỏa thuận vào một ngày cố định trong tương lai. Chúng được giao dịch trên các sàn giao dịch.
  • Forward: Tương tự như Future nhưng có thể tùy chỉnh và linh hoạt hơn để phù hợp với cả hai bên.
  • Option: Ở đây, người mua có quyền mua hoặc bán tài sản cơ bản ở một mức giá cụ thể, nhưng chắc chắn không có nghĩa vụ.
  • Swap: Trao đổi giữa 2 loại token, tài sản, tiền tệ với nhau.

Bảo hiểm phi tập trung

Trong lĩnh vực tài chính rủi ro nói chung, bắt buộc phải tồn tại một cơ chế bảo vệ khỏi rủi ro và các mối đe dọa. Bảo hiểm phi tập trung là một trong những khái niệm có thể hoạt động như một công cụ bảo vệ cho lĩnh vực DeFi.

Có nhiều trường hợp sử dụng bảo hiểm phi tập trung như:

  • Bảo hiểm ví tiền mã hóa (crypto wallet)
  • Bảo hiểm cho các khoản vay (lending)
  • Bảo hiểm hợp đồng thông minh (smart contract)

Các sản phẩm bảo hiểm cung cấp khả năng bảo vệ hoàn toàn các khoản tiền gửi DeFi. Phòng ngừa rủi ro chống lại sự biến động của tiền mã hóa và sự cố khi giá tăng, tụt một cách cực mạnh cũng như cung cấp bảo mật chống lại nguy cơ trộm cắp và tấn công vào ví tiền mã hóa.

Chúng đảm bảo an toàn cho người dùng trước mọi rủi ro DeFi có thể xảy ra, bảo vệ các rủi ro kỹ thuật và tài chính, do đó xây dựng cảm giác an toàn giữa các nhà đầu tư.

Không chỉ vậy mà các nền tảng còn làm cho toàn bộ quá trình gửi, xác nhận quyền sở hữu và xử lý và thanh toán cực kỳ an toàn, đáng tin cậy và minh bạch.

Sàn giao dịch phi tập trung

Các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) là các sàn giao dịch tiền mã hóa tạo điều kiện cho các giao dịch ngang hàng trực tiếp một cách an toàn và không cần trung gian.

Nói một cách dễ hiểu tức là DEX không yêu cầu bạn phải trữ coin, token tại sàn. Khi nào bạn cần mua hay bán thì chỉ việc liên kết với v í trữ coin và tiến hành trao đổi (exchange) qua coin, token khác. 

Ưu điểm:

  • Không cẩn trữ coins –> hạn chế khi sàn bị hack bạn sẽ không mất coins.
  • Không cần KYC (up CMND, Passport) lên sàn, hoàn toàn ẩn danh.
  • Không bị làm giả khối lượng giao dịch.
  • Không bị thao túng giá.

Nhược điểm:

  • Khó sử dụng với người mới.
  • Phí giao dịch còn cao so với các sàn tập trung.
  • Phí mỗi lần nạp/ chuyển coin lên sàn sau đó rút về rất cao.
  • Khối lượng giao dịch còn thấp –> giá dễ giao động mạnh, bạn phải mua với độ lệch giá (spread price) cao.

Giải pháp thanh toán

Thanh toán là một trường hợp ứng dụng thú vị của tài chính phi tập trung, với những sản phẩm dựa trên cả hai chuỗi khối Bitcoin và Ethereum. Trong lĩnh vực thanh toán, các sản phẩm của DeFi đã cố gắng làm cho các khoản thanh toán vi mô trở nên hiệu quả và ít tốn kém hơn, do đó cải thiện khả năng mở rộng của các mạng blockchain.

Một ví dụ có thể kể đến là Lightning Network. Đây là một giải pháp layer-2 được xây dựng trên nền tảng mạng lưới Bitcoin, riêng biệt với mạng lưới Bitcoin nhưng có thể tương tác với nó. Vì được tạo thành từ một hệ thống các kênh, Lightning cho phép mọi người chuyển khoản mà không cần sử dụng blockchain để xác thực giao dịch. Về lý thuyết, nó có thể cho phép hàng nghìn hoặc hàng trăm nghìn giao dịch diễn ra cùng lúc, thuận lợi cho các giao dịch nhỏ. Tất cả các chuyển khoản sẽ được giữ ngoài chuỗi và khi kênh bị đóng, trạng thái gần đây nhất của sổ cái ngoài chuỗi sẽ được làm mới trên blockchain.

Lời kết

DeFi là một bước tiến mới của thế giới tài chính và vẫn đang trên con đường phát triển rất mạnh mẽ. Mặc dù vẫn còn những nhược điểm chưa thể được khắc phục trong một sớm một chiều, nhưng các hoạt động đã diễn ra cho đến nay của DeFi cũng đủ chứng minh tiềm năng to lớn trong việc thay đổi nền tài chính tập trung hiện tại của nó.

Hi vọng với những thông tin này sẽ giúp các bạn có thêm cái nhìn toàn cảnh về DeFi cũng như những ứng dụng của nó trong thực tế.

Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi


* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư

Leave a Comment