Whitepaper là gì? Ý nghĩa của Whitepaper trong các dự án Crypto

Nếu đã tham gia vào thị trường tiền mã hoá thì chắc hẳn bạn đã từng nghe mọi người nhắc đến “Whitepaper”. Có lẽ thuật ngữ này sẽ khá quen thuộc với các trader lâu năm, nhưng cụ thể Whitepaper là gì? Nó sẽ cung cấp những thông tin gì và tầm quan trọng của nó đối với một dự án tiền mã hóa là như thế nào? Hãy cùng Bitcoincuatoi tìm hiểu thông qua bài viết ngày hôm nay nhé!

Whitepaper là gì?

Whitepaper là một tài liệu lưu trữ tất cả những thông tin quan trọng về một dự án tiền mã hóa. Whitepaper mở ra cho các nhà đầu tư hai khía cạnh chính của một dự án chính là: mục đích và công nghệ đằng sau nó. 

Thực chất, thuật ngữ “Whitepaper” đã có từ trước khi định nghĩa crypto ra đời, nó phục vụ cho nhiều dự án từ nhiều nền công nghiệp khác nhau. Theo Wikipedia thì “Whitepaper là một bản báo cáo hoặc bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền với mục đích giúp người đọc hiểu về một vấn đề, giải quyết một vấn đề hoặc ra một quyết định. Whitepaper được các chính phủ và ngành marketing cho doanh nghiệp (B2B) sử dụng”. Riêng đối với ngành công nghiệp crypto thì Whitepaper có lẽ được xuất hiện cùng lúc với ICO – nhằm thông báo và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào đợt phát hành coin đầu tiên của dự án.

Nguồn: Internet

Ngoài thông tin, Whitepaper còn cung cấp tính hợp pháp và triển vọng chuyên nghiệp cho một dự án tiền mã hóa. Về cơ bản, Whitepaper là một đề xuất bao gồm ai, cái gì, khi nào và tại sao một nhà đầu tư nên chọn dự án đó thay vì những dự án khác. 

Sự khác biệt giữa Whitepaper và Litepaper

Litepaper là một phiên bản rút gọn và súc tích của Whitepaper. Litepaper sẽ tóm tắt nội dung của một Whitepaper trong khi vẫn duy trì được những điểm quan trọng của toàn bộ tài liệu. Điều này cho phép người đọc hiểu các nguyên tắc cơ bản của một dự án trong thời gian ngắn hơn và cho họ thời gian để quyết định xem họ có cần tiếp tục kiểm tra báo cáo chính thức đầy đủ hay không.

Tương tự với Whitepaper, các thông tin được nêu ra trong Litepaper cũng bao gồm các mục quan trọng như:

  • Giới thiệu về dự án​
  • Vấn đề đang giải quyết​
  • Đề xuất/ giải pháp
  • Số liệu thị trường​
  • Token
  • Đội ngũ, tầm nhìn, lộ trình​
  • Trang web và chi tiết liên hệ​

Tuy nhiên, những đề mục này sẽ được viết theo một cách ngắn gọn nhất có thể và không chi tiết như một Whitepaper.

Whitepaper bao gồm những thông tin gì?

Nguồn: Cointelegraph

Mặc dù không phải tất cả các Whitepaper trong lĩnh vực crypto đều giống nhau, nhưng chúng có xu hướng đề cập đến một số chủ đề chung như sau:

  • Giới thiệu về dự án: Cung cấp thông tin sơ lược về một dự án tiền mã hóa.
  • Định nghĩa về vấn đề mà dự án muốn giải quyết: Cung cấp bối cảnh về lý do tại sao dự án lại cần thiết ngay từ ban đầu. Người đọc định nghĩa vấn đề càng rõ ràng thì họ càng dễ dàng nhận thấy sự cần thiết cũng như lợi ích tiềm năng của dự án.
  • Giải pháp của dự án: Thông thường các dự án sẽ đưa ra các thông tin liên quan đến kỹ thuật. Nó chứng tỏ rằng đây là một dự án khả thi cũng như cho thấy rằng dự án đã nắm bắt tốt công nghệ để thực hiện được tầm nhìn của họ thành công.
  • Các ứng dụng liên quan của dự án: Ví dụ, việc áp dụng Bitcoin như một hệ thống tiền mã hóa P2P. Hoặc ứng dụng của Ethereum như một nền tảng phi tập trung chạy các hợp đồng thông minh. 
  • Đội ngũ dự án: Giới thiệu về những thành viên đứng sau xây dựng nên dự án. Chắc chắn 1 dự án gồm những gương mặt tài năng sẽ uy tín hơn những dự án mà đội ngũ là các thành viên ẩn danh.
  • Thông tin về token: Tổng nguồn cung của token, chi tiết mở bán, vai trò của token,…
  • Lộ trình dự án: Lộ trình thường được chia nhỏ thành các mục tiêu hàng quý. Những mục tiêu này giúp người đọc gắn kết những gì họ đã đọc trước đó trong bài báo, cụ thể là các vấn đề sẽ được giải quyết, với các giải pháp mà dự án sẽ cung cấp.  

Chức năng của Whitepaper

Đánh giá một dự án có tiềm năng hay không

Như đã đề cập ở trên, Whitepaper chứa đựng những thông tin cần thiết liên quan đến dự án đồng thời trả lời câu hỏi tại sao dự án này lại ra đời và nó có giải quyết được vấn đề mà thị trường tiền mã hóa đang gặp phải hay không. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để xác định đồng coin của dự án đó có tiềm năng hay không.

Huy động vốn từ nhà đầu tư

Khi nhìn vào Whitepaper, nhà đầu tư có thể hình dung tổng quát về một dự án nên Whitepaper cần phải uy tín và rõ ràng, từ đó có thể dễ dàng đạt được mục đích huy động vốn một cách tốt nhất.

Ví dụ: Ethereum đã nhờ vào Whitepaper của mình mà huy động được 15.5 triệu USD. Quoine cũng huy động được 105 triệu USD nhờ vào Whitepaper của họ.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều dự án tạo nên một Whitepaper rất hoàn hảo và chỉnh chu nhưng đến khi bắt tay vào thực hiện thì kết quả lại hoàn toàn khác so với thứ mà họ “vẽ” ra trên giấy, dẫn đến việc các nhà đầu tư mất niềm tin vào Whitepaper khi ra quyết định rót vốn của mình.

Tầm quan trọng của Whitepaper trong Crypto

Một tài liệu Whitepaper hoàn chỉnh, sẽ có thể giúp các nhà đầu tư:

  • Tiết kiệm thời gian và công sức tìm kiếm thông tin về dự án.
  • Tiếp cận thông tin một cách an toàn và chính xác nhất.
  • Hiểu được dự án sinh ra để làm gì, giải quyết vấn đề nào và vấn đề đó có quan trọng với nền công nghiệp crypto hay không.
  • Đánh giá được tiềm năng và điểm độc đáo của dự án này so với dự án khác để đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Bên cạnh đó, một tài liệu Whitepaper hoàn chỉnh cũng sẽ giúp:

  • Cung cấp cho độc giả những thông tin quan trọng về sản phẩm hoặc công nghệ.
  • Ảnh hưởng đến các quyết định của người đọc.
  • Thiết lập tương tác với các khách hàng hiện tại hoặc tiềm năng của dự án.

Làm sao để biết đâu là một Whitepaper chất lượng?

Người đọc cần đặt ra các câu hỏi cho chính bản thân mình để biết chính xác đâu là một Whitepaper chất lượng.

Dự án này làm gì?

Một dự án thường có các thuật ngữ chuyên môn và kỹ thuật có thể gây nhầm lẫn và khó hiểu. Nếu bạn đọc xong Whitepaper mà vẫn không chắc chắn về dự án, thì có thể có hai trường hợp xảy ra:

  • Dự án quá nâng cao nên bạn cần thêm kiến ​​thức để hiểu.
  • Dự án không có ý nghĩa thiết thực.

Chỉ cần gặp một trong hai trường hợp thì bạn đều không nên đầu tư vào dự án đó. 

Dự án hoạt động như thế nào?

Sau khi bạn đã tìm ra mục đích của dự án, câu hỏi tiếp theo Whitepaper cần trả lời là “Dự án này hoạt động như thế nào?”.

Một tài liệu Whitepaper tốt phải giải thích cách thức hoạt động của công nghệ với mức độ phức tạp và kiến ​​thức kỹ thuật cần thiết.

Bạn có thể tham khảo Whitepaper của Bitcoin. Vì nó được xem là 1 trong những Whitepaper dễ đọc và dễ hiểu nhất từng được viết trong lĩnh vực này.

Tại sao chúng ta cần dự án này?

Bạn cần kiểm tra tính hiệu quả và cần thiết của một dự án trong thế giới thực. Ai sẽ thực sự sử dụng sản phẩm này, tại sao giải pháp này lại tốt hơn giải pháp khác?

Nếu Whitepaper có thể cung cấp câu trả lời chắc chắn cho những người cần dự án thì bạn có thể đã nắm trong tay một cơ hội đầu tư đáng giá.

Tại sao dự án này cần một blockchain?

Không phải tất cả các dự án đều cần được xây dựng trên blockchain. Một Whitepaper chất lượng sẽ trung thực về lý do tại sao giải pháp của họ cần blockchain. Nhiều dự án tự do thừa nhận rằng họ sẽ chỉ sử dụng blockchain để tạo token và một số quản lý hợp đồng thông minh, thật ra điều này cũng hợp lý. Nhưng nếu một công ty khởi nghiệp tuyên bố có một số ý tưởng mới lạ cho việc rửa xe dựa trên blockchain hoặc thứ gì đó tương tự thì hãy cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Chiến lược của dự án như thế nào?

Một chiến lược rõ ràng và chi tiết sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ nét về con đường tương lai của một dự án. Bên cạnh đó, nó còn giúp tạo ra niềm tin giúp người đọc dễ dàng ra quyết định đầu tư của mình hay không.

Đội ngũ tham gia dự án gồm những ai, có phù hợp hay không?

Như đã đề cập, 1 dự án gồm những gương mặt nhiều kinh nghiệm và làm đúng lĩnh vực là thế mạnh của họ sẽ giúp dự án đó có khả năng thành công và phát triển trong tương lai.

Một số tài liệu Whitepaper thành công

  • “Bitcoin – Hệ thống tiền mã hóa P2P” – một trong những whitepaper về tiền mã hóa nổi tiếng nhất.
  • Whitepaper của Ethereum – gọi vốn thành công 15.5 triệu USD
  • Whitepaper của Quoine – gọi vốn thành công 105 triệu USD
  • Whitepaper của DigixDAO – gọi vốn thành công 5.5 triệu USD
  • Ethereum Useless – dự án tiền mã hóa phát hành Whitepaper ngắn nhất trong lịch sử. Whitepaper của dự án chỉ có một vài dòng được đăng lên website, kèm theo khẩu hiệu “Đừng mua bất kì token nào tại đây”. Tuy nhiên, nhờ Whitepaper này mà họ đã kiếm được số tiền đầu tư lên đến 257,213 USD.

Lời kết

Trên đây là các thông tin chi tiết nhất về những gì mà một tài liệu Whitepaper – thứ giúp các nhà đầu tư đánh giá một dự án như thế nào trong quá trình tìm hiểu cần có.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng Whitepaper không phải là cơ sở duy nhất để chúng ta ra quyết định có nên đầu tư vào một dự án hay không. Hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu về dự án thông qua các nguồn thông tin khác nữa nhé!

Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi


* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment