Lending Crypto là gì?
Lending (cho vay) là bạn sử dụng tài sản hoặc tiền mặt của mình để cho borrower (người vay) vay và thu về tỷ lệ lãi suất nhất định. Sau 1 khoảng thời gian, bạn sẽ nhận lại được vốn gốc và lãi suất như thỏa thuận ban đầu.
Những người yêu thích tiền mã hóa thường được khuyến khích “HODL” coin và giữ chúng trong ví cho đến khi giá của coin (đồng tiền) đó tăng lên. Điều này cũng giống như khi bạn gửi tiền mặt vào ngân hàng với lãi suất rất thấp. Vậy làm thế nào để hold coin mà vẫn có thêm lãi suất?
Đây là lúc hoạt động Lending Crypto (cho vay tiền mã hóa) ra đời. Nó không chỉ cho phép người tiết kiệm nhận lãi khi tích trữ coin mà còn cho phép các borrower (người đi vay) mở khóa giá trị tài sản kỹ thuật số của họ bằng cách sử dụng nó làm tài sản thế chấp cho khoản vay. Người đi vay có thể là một trader, hoặc các sàn giao dịch nổi tiếng như Bitfinex, Poloniex, Binance. Nói đơn giản, Lending Crypto là một hình thức mà người sở hữu tiền mã hóa sẵn sàng cho vay coin nhàn rỗi của mình trong một khoảng thời gian nhất định, với mức lãi suất cụ thể.
Khi nào thì cần Lending Crypto?
- Các trường hợp khẩn cấp cá nhân
- Tìm kiếm vốn cho doanh nghiệp
- Kiếm tiền lãi từ tiền mã hoá của bạn
- Hodl tiền mã hoá của bạn để có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Hiện nay, các sàn hỗ trợ hình thức này được chia thành 2 loại:
Centralized Finance (CeFi – tập trung)
Đây là các nền tảng cho vay thuộc nền tài chính tập trung. Đặc điểm của loại hình này chính là luôn có một bên thứ 3 đứng giữa kiểm soát hoạt động của lender và borrower, thường đi kèm với hình thức ủy thác. Một số sàn giao dịch thuộc nền tảng tài chính tập trung: Nexo, Celsius, BlockFi, Salt,…
Rủi ro trong khoản vay CeFi
- Rủi ro mất khả năng thanh toán: Vì tập trung và không có nhiều bảo hiểm, lender có thể mất tất cả tiền mã hóa của mình nếu nhà cung cấp nền tảng bị phá sản. Vì vậy lender nên biết về sự ổn định tài chính của các nền tảng cho vay tiền mã hóa và đặc biệt thận trọng với các nền tảng ít được biết tới hơn.
- Rủi ro đối tác: Nền tảng CeFi có thể sử dụng tiền mà bạn gửi vào, sau đó đem số tiền đó cho các sàn khác, quỹ phòng hộ, nhà đầu tư hay các trader mua bán tự do (OTC) vay. Nhà cung cấp nền tảng Lending của bạn có thể mất khả năng thanh toán nếu các đối tác đó không trả lại các khoản tiền đã vay.
Decentralized Finance (DeFi – Phi tập trung)
Nền tảng cho vay trong nền tài chính phi tập trung sẽ loại bỏ hoàn toàn các bên thứ ba cũng như hình thức ủy thác. Hoạt động cho vay sẽ thuộc thỏa thuận của hai bên lender và borrower thông qua smart contract (hợp đồng thông minh). Một số sàn giao dịch phi tập trung: Compound, Aave, InstaDApp, Dharma, Maker, Fulcrum, Constant, Bzx, Nuo.
Rủi ro trong khoản vay DeFi
- Lỗi và hack hợp đồng thông minh: Hợp đồng thông minh có ưu điểm là hoàn toàn tự động và minh bạch. Tuy nhiên, code được viết kém có thể khiến hợp đồng thông minh dễ bị hack.
- Rủi ro về admin key: Nhà phát triển giao thức DeFi có thể kiểm soát admin key (khóa quản trị). Nếu các key này không được phi tập trung hoặc burn (đốt), có nguy cơ các nhà phát triển có thể rút toàn bộ quỹ giao thức.
- Rủi ro thanh lý: Việc thanh lý xảy ra khi tiền điện tử bạn có làm tài sản thế chấp mất giá trị và khoản vay của bạn giảm xuống dưới tỷ lệ tài sản thế chấp. Một ví dụ về điều đó là vào Black Friday (ngày 12/03/2020), giá Bitcoin đã giảm 45% trong một ngày. Việc giảm giá đột ngột này có thể khiến các khoản vay của bạn bị thanh lý do giảm xuống dưới tỷ lệ tài sản đảm bảo tối thiểu.
Các thông số quan trọng trong Lending
Tỷ lệ lãi suất
Đây cũng chính là mục đích tiên quyết, thúc đẩy hành vi cho vay của lender. Khi cho vay, bạn sẽ nhận được một khoản lợi nhuận đến từ 1 đồng coin bất kỳ. Thông thường các coin ổn định như ETH, BTC thường có mức lãi suất cho vay thấp hơn so với những coin mới.
Thời gian cho vay
Tức là khoảng thời gian tính từ lúc bắt đầu cho vay đến lúc bạn có thể nhận lại số vốn gốc cũng như lãi suất. Mỗi sàn giao dịch sẽ có một khoảng thời gian khác nhau chẳng hạn như 7 ngày, 14 ngày, 28 ngày, 30 ngày hoặc 90 ngày. Trong kỳ hạn này, đồng coin bạn cho vay sẽ bị khóa và cho người khác vay. Bạn sẽ không thể rút lại số vốn cho vay của mình trước khi đáo hạn.
Tài sản cho vay
Mỗi nền tảng giao dịch sẽ chấp nhận nhiều loại coin khác nhau. Chỉ cần bạn sở hữu đồng coin được phép trong Wallet (ví), bạn đã có đủ cơ sở để cho vay.
Total Value Locked
Total Value Locked (TVL) là tổng lượng tài sản bị khóa bên trong nền tảng. Con số này thể hiện mức độ quan tâm, tham gia của người dùng tới nền tảng đó.
Càng nhiều tài sản được lock bên trong nền tảng thì càng tác động tới giá của đồng coin đó.
Cách thức hoạt động của Lending trên các sàn giao dịch
Với mục đích tạo quỹ cho các dịch vụ margin, trader sẽ vay thêm một phần coin từ sàn để làm đòn bẩy cho giao dịch của họ. Trader có thể vay được coin bằng 2 cách sau:
Cách 1: Dùng coin trong ví dự trữ của sàn.
Cách 2: Vay coin từ các lender với mức lãi suất theo thỏa thuận.
Vậy dịch vụ Lending lấy tiền từ đâu để đưa cho các lender và borrower?
Tương tự như ngân hàng, các sàn giao dịch Lending cũng sẽ huy động số coin của người dùng, chuyển cho người cần vay hoặc thực hiện các đầu tư sinh lời khác. Sau đó, họ sẽ dùng lợi nhuận thu được trả tiền lãi cho các lender.
Đặc điểm của Lending Crypto
Ưu điểm | Nhược điểm |
Lãi suất thấp: So với các khoản vay thế chấp và vay mua nhà, trong khoản vay crypto, bạn thường có thể nhận được một khoản vay với lãi suất dưới 10 phần trăm. | Margin call: Trong một số trường hợp, người cho vay thậm chí có thể bán một số tài sản của bạn để cắt giảm tỷ lệ khoản vay trên giá trị của bạn. |
Số tiền cho vay dựa trên giá trị tài sản: Trong nhiều trường hợp, bạn có thể vay tới 50% giá trị danh mục đầu tư của mình, nhưng một số sàn giao dịch cao đến 90%. | Không có quyền truy cập vào tài sản của bạn: Nếu đang thực hiện cho vay, lender sẽ không thể truy cập vào tài sản của mình để giao dịch hoặc rút vốn. |
Lựa chọn đơn vị tiền tệ cho vay: Tùy thuộc vào nền tảng, có thể nhận được khoản tiền cho vay dưới dạng USD hoặc chọn các đồng coin khác. | Các điều khoản trả nợ có thể khác nhau: Các khoản vay này thường hoạt động giống như các khoản vay truyền thống và tùy thuộc vào chương trình cho vay. Bạn cần phải xác định khả năng thanh toán của mình. |
Không kiểm tra tín dụng: Các nền tảng và sàn giao dịch cho vay tiền điện tử thường sẽ không kiểm tra tín dụng khi bạn đăng ký, khiến nó trở thành một lựa chọn tài chính cực kỳ hấp dẫn cho những người có tín dụng kém hoặc không có lịch sử tín dụng. | Không phải tất cả các loại tài sản kỹ thuật số đều đủ điều kiện: Tùy thuộc vào nền tảng cho vay tiền mã hóa, người vay có thể cần phải trao đổi tiền tệ của mình để lấy một tài sản đủ điều kiện. |
Cấp vốn nhanh: Sau khi bạn được chấp thuận, bạn có thể nhận được khoản tiền cho vay của mình chỉ sau vài giờ. | Các khoản tiền trong tài khoản lãi suất không được đảm bảo. Vì vậy, nếu việc trao đổi không thành công, lender có thể mất tất cả. |
Khả năng cho vay tiền mã hóa: Nhiều sàn giao dịch cung cấp tài khoản “lãi suất” cho phép bạn cho vay tài sản kỹ thuật số của riêng mình và nhận lại APY cao. | Rút tiền từ tài khoản lãi suất có thể chậm: Tùy thuộc vào nền tảng, có thể mất vài ngày để rút. Điều này có thể tác động đến giá trị tài sản của lender nếu nó giảm nhanh chóng và không thể giao dịch. |
Lời kết
Lending không còn là hình thức mới trong lĩnh vực tiền mã hóa mà đang được phát triển hơn để phù hợp với thị trường sôi động này.
Nếu bạn đang có số lượng tiền mã hóa nắm giữ khá lớn nhưng không muốn bán, và muốn kiếm thêm thu nhập thụ động, Lending Crypto có thể là một giải pháp thay thế đáng xem xét. Tuy nhiên, dù là cho vay hay vay tiền mã hóa, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu được các rủi ro và lợi ích mình nhận được nhé!
Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.