FOMO, FUD là gì? Hai hội chứng tâm lý phổ biến trong giới Crypto

FOMO và FUD là hai thuật ngữ về hiệu ứng tâm lý phổ biến nhất mà hầu hết tất cả những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính nói chung đều khá quen thuộc. Trong đó, tiền mã hóa là một trong những lĩnh vực sử dụng hai thuật ngữ này thường xuyên nhất. 

Và nếu bạn là một newbie đang thắc mắc FOMO là gì? FUD là gì? Hoặc bạn là đã một trader và đang muốn tìm cách để vượt qua được những hiệu ứng tâm lý đó, bài viết này sẽ giúp hiểu rõ hơn về chúng.

FOMO là gì?

FOMO là viết tắt của cụm từ “Fear of Missing Out”, có nghĩa là một thuật ngữ chỉ hội chứng (hoặc hiệu ứng) lo sợ bỏ lỡ hoặc vụt mất cơ hội. Người mắc phải hội chứng này thường bị ám ảnh bởi cảm giác lo sợ bỏ lỡ một điều gì đó, hay đánh mất cơ hội nào đó mà bản thân hoàn toàn có khả năng đạt được. Từ suy nghĩ này, họ thường hấp tấp trong việc đưa ra quyết định khi chưa xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, dẫn đến những hậu quả khó lường sau đó.

Nguồn: Cointelegraph

Về khía cạnh trade coin, FOMO là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người “mua đỉnh” hoặc tiếp tục hodl kể cả khi giá đã giảm, với kỳ vọng kiếm được lợi nhuận cao. Và rồi cuối cùng, họ vướng vào nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận mà lẽ ra họ có thể nhận được. Bất kỳ ai cũng có thể được gọi là “bị FOMO” khi hành động bốc đồng do sợ bỏ lỡ.

FUD là gì?

FUD là viết tắt của cụm từ Fear – Uncertainty – Doubt, có nghĩa là một thuật ngữ chỉ hội chứng (hoặc hiệu ứng) sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ. Đây là một tâm lý thường được điều khiển bởi những tin tức lan truyền trên mạng xã hội, hay các phương tiện thông tin đại chúng. Hiệu ứng của FUD có thể tạo ra một hoặc những đợt giảm giá, mà không dựa trên nguyên tắc cơ bản, biểu đồ nào từ sự xuất hiện của các tin xấu. Trong lĩnh vực kinh doanh, chính trị, tài chính… FUD cũng là một chiến thuật nhằm “tung tin giả” để tạo ra những đòn áp lực đến nhận thức người tiêu dùng.

Nguồn: Cointelegraph

Trong khía cạnh trade coin, FUD xuất hiện khi các trader biểu hiện tâm lý sợ hãi vì những tin tức bất lợi từ thị trường được công bố. Bất kể là từ tổ chức, đơn vị có sức ảnh hưởng lớn, hay cá nhân riêng lẻ được nhiều người quan tâm chỉ cần tuyên bố rằng Bitcoin chỉ là một “thứ không có giá trị”, đều có thể khiến nạn nhân của FUD nhanh chóng bán tháo, mà không cần nghiên cứu hay tìm hiểu rõ vấn đề.

Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thị trường và là cơ hội “béo bở” để các Whale tận dụng “buy the dip”. Đồng thời, đây cũng là một cách thức rất thường thấy mà Whale có thể dùng để thao túng thị trường. Cụ thể nhất là hành động tâng bốc của Elon Musk cho Dogecoin – một dự án không mang lại bất kỳ giá trị cải tiến nào, và cũng được xây dựng như một thứ chỉ để “joke”.

FOMO và FUD trong đời sống thường ngày

Thực tế, FOMO và FUD không chỉ xuất hiện trong mỗi một lĩnh vực cụ thể nào, mà trong chính cuộc sống hằng ngày chúng vẫn hiện diện rất thường xuyên. Bởi sự phát triển của internet, cùng tốc độ truyền thông và mạng xã hội ngày càng rộng mở, hai hội chứng tâm lý trên lại ngày càng biểu hiện trầm trọng hơn bao giờ hết.

Điển hình nhất cho hội chứng FOMO là hiện trạng của giới trẻ khi họ liên tục cập nhật Facebook, để không bỏ sót bất kỳ thông tin nào từ bạn bè, người thân, hay những chủ đề nóng hổi của giới showbiz hoặc những group cộng đồng. Việc bỏ lỡ những “tin nóng” có thể khiến họ trở thành “người tối cổ” ngay cả khi chỉ mới tắt Facebook trong vài giờ hoặc thậm chí là vài phút. Và như vậy, kết quả cuối cùng là họ sẽ không thể bắt kịp tiến độ “chém gió” với cộng động, người thân và bạn bè, kể cả khi đó là những tin nhảm nhí, hoặc trend mua vui vô nghĩa.

Một ví dụ khác cho hiệu ứng FOMO mới đây nhất là từ Apple – cái tên luôn làm chao đảo thị trường công nghệ. Gần đây nhất là đợt trình làng dòng iPhone 13, 13 Pro và 13 Pro Max đã tạo nên một luồng trào lưu “cập nhật công nghệ mới” cùng tâm lý yêu chuộng hàng Mỹ, đã thúc đẩy nhiều người phải xuống tiền, tậu ngay một em để thể hiện đẳng cấp. Lúc này, những nạn nhân của FOMO sẽ dễ dàng bỏ ra cả 1 tháng lương, hoặc thậm chí là 2 – 3 tháng để sở hữu chiếc iPhone đời mới nhất. Và mặc dù ai cũng biết là hầu như không thể sử dụng hết toàn bộ tính năng mới, nhưng họ vẫn bỏ qua chiếc smartphone vẫn đang dùng rất tốt, chỉ để “chạy theo xu hướng”. 

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu khảo sát của Mashable, có đến 56% người dùng mạng xã hội mắc phải hội chứng FOMO. Ngoài ra, FOMO cũng được phát hiện nhiều nhất ở những người thuộc thế hệ Millennials (69%), hay hiện tại còn được gọi là Gen Y – người có năm sinh trong khoảng đầu những năm 1980 đến khoảng 2000. 

Cách vượt qua FOMO và FUD trong giao dịch tiền mã hoá

FOMO và FUD thường được tìm thấy nhất ở những newbie trader. Do đó, để tránh trở thành những con rối bị lợi dụng rồi vắt cạn tiền trong thị trường tiền mã hoá, trader luôn phải nằm lòng những nguyên tắc sau:

Nắm bắt và hiểu được thị trường

Một trong những thứ căn bản nhất mà bất kỳ ai trong thị trường tiền mã hóa đều theo đuổi chính là hiểu thị trường. Điều này không chỉ khó đối với những newbie, mà ngay cả các master với kinh nghiệm dày dặn vẫn không thể khẳng định được giới hạn của việc này. Tuy nhiên, dưới góc độ là một người tham gia và bỏ tiền ra để đầu tư sinh lời, trader buộc phải nắm được những kiến thức, tính chất cơ bản của thị trường. Từ đó, có những quyết định đúng đắn hơn trong những đợt “xuống tiền”. 

Song, thị trường là một nơi dồi giàu cơ hội, nhưng nếu thấy đồng tiền nào đang có biểu hiện FOMO hoặc tương tự, tốt nhất tôi khuyên bạn nên là người ngoài cuộc, chỉ theo dõi và rút ra kinh nghiệm cho riêng mình ở những lần đầu tư sau.

Biết cách quản lý vốn hiệu quả

Việc nắm rõ kiến thức về quản lý tài chính, biết cách phân bổ vốn sẽ là một lợi thế rất lớn để bạn có thể giảm thiểu những rủi ro từ hiệu ứng FOMO và FUD tạo nên. Bên cạnh đó, với việc quản lý hiệu quả, bạn sẽ là người chủ động kiểm soát dòng tiền, cân đối tài chính và luôn biết cách để vượt qua những đợt FOMO, FUD ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân.

Xác định mô hình đầu tư 

Khi tham gia vào thị trường tiền mã hoá, bạn nên định hướng cho mình một mô hình rõ ràng với việc đầu tư ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý, cách thức thực hiện và phương hướng riêng của bản thân, để không chịu ảnh hưởng bởi những hội chứng tâm lý tiêu cực xung quanh.

Nói một cách dễ hiểu thì nếu bạn chỉ muốn đầu tư lướt sóng (ngắn hạn), thì việc tận dụng FOMO sẽ giúp bạn nhanh chóng thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu bạn quyết định đầu tư trung hoặc dài hạn, thì việc tránh vướng vào vòng xoay của FOMO và FUD là một yếu tố rất cần thiết. 

Kiên định

Như đã đề cập ở trên, khi quyết định đầu tư vào bất kỳ thứ gì, với hành động xác định rõ mô hình đầu tư, tìm hiểu kỹ lưỡng và có kiến thức nền tảng, thì bạn cũng nên kiên định với kế hoạch mà bản thân đã vạch ra.

Từ đó, kiên định sẽ giúp bạn vượt qua những áp lực tâm lý tiêu cực, hành động hấp tấp trong việc đưa ra quyết định khi chưa xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố liên quan, nhằm giảm thiểu tối đa những hậu quả khó lường sau đó.

Cắt lỗ đúng lúc

Lỗ là một điều mà tất cả các trader chẳng ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu chẳng may bạn rơi vào luồng hiệu ứng FOMO và bị “đu đỉnh” thì hãy cố gắng giữ bình tình, phân tích kỹ lưỡng và đừng ngại “stop-loss” (cắt lỗ). Hành động cắt lỗ đúng lúc và kịp thời sẽ nhanh chóng giúp bạn giảm thiểu tối đa thiệt hại cho bản thân và giữ lại một ít vốn trước khi “cháy túi”. Đừng chần chừ hay tiếc nuối quá lâu, để rồi phải chấp nhận đánh đổi với việc chôn vốn dài hạn, hoặc ngậm ngùi nhìn tài sản của mình dần bốc hơi.

Lời kết

Điểm chung lớn nhất của hai hội chứng tâm lý FOMO và FUD là chúng đều dựa trên yếu tố cảm xúc tiêu cực (lo lắng, sợ hãi, hoang mang hoặc nghi ngờ…) để tác động đến nạn nhân trong các lĩnh vực liên quan, đặc biệt thường thấy nhất là ở thị trường tiền mã hóa.

Theo đó, để có thể vượt qua được những đòn tâm lý này, trader cần giữ cho mình “quả đầu lạnh” cùng lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhằm nắm được sự tự tin cao nhất có thể đối với quyết định của bản thân. 

Cuối cùng, nếu bạn có thể giao dịch mà không bị bất kỳ tâm lý nào lấn át và dự đoán được những người khác sẽ FOMO hoặc FUD, hãy cân chỉnh chiến lược giao dịch phù hợp để chiếm được lợi thế tốt nhất.

Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi


* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư

Leave a Comment