Bearish là một trong những thuật ngữ phổ biến nhất khi tham gia vào thị trường tiền mã hoá. Vậy chính xác Bearish hay thị trường bear là biểu thị của xu hướng gì? Tất cả sẽ được Bitcoincuatoi giải đáp ngay bên dưới.
Bearish là gì?
Bearish là thuật ngữ dùng để chỉ xu hướng giá giảm thấp hơn mức giá trung bình trong lịch sử của thị trường hay 1 coin/ token nào đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Sở dĩ hình ảnh bear (con gấu) được dùng để ám chỉ xu hướng giảm vì nhiều người cho rằng biến động này giống như cách tấn công của gấu. Khi tấn công, gấu thường sẽ giáng những đòn đánh mạnh từ trên xuống và làm tê liệt đối phương. Với thị trường tiền mã hoá, bearish sẽ thể hiện một mức biến động khiến một số trader bi quan và đẩy mạnh các giao dịch bán. Việc làm này vô tình sẽ khiến giá của tài sản đang giảm nay lại càng giảm sâu hơn.
Bên cạnh ý nghĩa về đợt giảm giá diễn ra trung hoặc dài hạn, bearish còn được dùng để chỉ những giai đoạn giảm giá ngắn hạn, phụ thuộc vào đối tượng, khung thời gian sử dụng và chiến lược giao dịch.
Thị trường Bearish
Hiểu một cách đơn giản, thị trường bearish là thị trường mà phe bán hoàn toàn áp đảo phe mua, làm thị trường giảm giá từ 20% trở lên trong một thời gian dài.
Bearish trong ngắn hạn
Bearish trong ngắn hạn được hiểu là đợt giảm giá diễn ra trong khoảng thời gian từ vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Nó có thể là một giai đoạn giảm giá nhẹ hoặc đợt điều chỉnh giá trong thị trường Bullish.
Các dự đoán về một thị trường bearish ngắn hạn thường xuất phát từ kết quả phân tích kỹ thuật trên biểu đồ giá, hoặc ảnh hưởng tâm lý (FOMO, FUD…) từ một sự kiện liên quan đến nền kinh tế, có thể tác động tiêu cực đến giá trong khoảng thời gian ngắn.
Bearish trong dài hạn
Tương tự với bearish ngắn hạn, song, thời gian của bearish dài hạn sẽ được định với móc thời gian từ vài tuần, vài tháng hoặc có khi là vài năm. Trong giai đoạn này, giá cả của tài sản có thể tăng/ giảm thất thường, nhưng khi nhìn một biểu đồ tổng thể chúng sẽ mang xu hướng giảm.
Nguyên nhân dẫn đến thị trường Bearish
Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến thị trường Bearish, song, nguyên nhân thường thấy nhất là từ ảnh hưởng từ tâm lý của các trader. Tiêu biểu nhất có thể kể đến chính là do đại dịch COVID tác động đến tâm lý trader, gây ra một đợt bearish mạnh năm 2020. Ngoài ra, thị trường bearish còn xảy ra do nhiều nguyên nhân như đầu cơ tràn lan, cho vay thiếu trách nhiệm, biến động giá nguyên liệu, đòn bẩy quá mức…
Dấu hiệu nhận biết thị trường Bearish
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu tư có thể nhận ra thị trường Bearish thông qua hành vi giá trên biểu đồ:
- Giá sau liên tục tạo các đáy mới thấp hơn giá trước
- Các đợt giảm giá liên tiếp nhau, xen kẽ là các đợt điều chỉnh tăng với lực tăng nhẹ, không làm phá vỡ cấu trúc của xu hướng giảm
- Các đợt giảm giá với lực mạnh và mức độ giảm cao hơn so với mức độ tăng của các đợt điều chỉnh tăng trước đó
Ngoài việc thể hiện đặc điểm thông qua hành vi của giá trên biểu đồ thì thị trường bearish còn được biểu hiện qua các yếu tố cơ bản khác như mối quan hệ cung – cầu, tâm lý nhà đầu tư và sự thay đổi của các biến số kinh tế:
- Trong thị trường bearish, nhu cầu bán ra cao hơn nhu cầu mua vào => cung lớn hơn cầu => giá giảm. Đối với các nhà đầu tư, bearish cho thấy tâm lý bi quan về sự tăng trưởng của một coin/ token nào đó, điều này khiến họ không sẵn sàng gia nhập vào thị trường hoặc bán ra để bảo toàn vốn, hạn chế thua lỗ. Ngược lại, với các trader, họ có thể tận dụng những đợt giảm giá để thu về lợi nhuận cho mình.
- Bearish toàn thị trường thường xảy ra cùng với những tin tức theo hướng tiêu cực.
- Tần suất đưa tin của các phương tiện truyền thông sẽ cao hơn.
Cấu trúc và đặc điểm của thị trường Bearish
Cấu trúc cơ bản
Cấu trúc của một thị trường Bearish thông thường sẽ có 3 giai đoạn như sau:
- Bắt đầu: đây có thể là khoảng thời gian có mức độ giảm nhẹ để lấy đà cho một đợt bùng nổ sắp xảy ra. Giai đoạn này thường hình thành sau một bullish dài hạn hoặc một đợt tích lũy sideway (tích luỹ ngang) và thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.
- Cao trào: ở giai đoạn bắt đầu cao trào, trader thường có tâm lý xả coin nhẹ để xem xét thị trường. Sau khi xác định một thị trường Bearish khả năng cao sẽ xảy ra, lực bán sẽ tăng mạnh, kéo giá tài sản giảm sâu hơn. Thời gian của giai đoạn này thường khó đoán trường vì nếu giá giảm mạnh, mức độ giảm cao thì thời gian bùng nổ sẽ nhanh hơn. Ngược lại, nếu lực giảm vừa phải, mức độ giảm không cao thì thời gian bùng nổ có thể sẽ kéo dài hơn.
- Suy thoái: ở giai đoạn này, thị trường sẽ hạ nhiệt dần với tốc độ chậm hơn, mức độ giảm cũng suy yếu dần đến khi sức mua cao hơn sức bán, thì thị trường sẽ đảo chiều về bullish.
Đặc điểm của thị trường Bearish
Một thị trường Bearish thường mang những đặc điểm cơ bản sau:
- Các mức đáy mới thấp liên tục được tạo
- Sự xen kẽ các đợt điều chỉnh tăng giá nhẹ giữa những đợt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, nhìn chung, nó vẫn không có khả năng phá vỡ cấu trúc giảm giá.
- Các đợt giảm có xu hướng mạnh hơn so với những đợt tăng trước đó.
Làm sao để sống sót qua thị trường Bearish?
Buy the dip
Đây là một trong những “câu thần chú” phổ biến nhất trong ngành tiền mã hoá. Theo đó, buy the dip hay mua đáy chính là thuật ngữ để chỉ hành động tận dụng thời điểm giá giảm sâu, để vào được những lệnh tốt, có lợi cho trader. Mục tiêu của việc làm này chính là “mua thấp bán cao” nhằm thu về lợi nhuận sau một khoảng thời gian hold coin.
Falling knife
Trong trường hợp tận dụng khoảng giảm giá để ôm coin, thì một rủi ro luôn đi kèm chính là bạn sẽ không thể biết đâu là đáy thực sự. Việc mua một tài sản đang giảm giá liên tục với hy vọng nó sẽ sớm hồi phục, yêu cầu trader phải là một người có đủ kinh nghiệm, kiến thức để thu hẹp tối đa rủi ro. Và trong trường hợp xấu nhất, tài sản này không thể hồi phục, trader sẽ phải gánh chịu khoản lỗ bất cứ lúc nào.
Tinh chỉnh chiến lược
Khi thị trường Bearish diễn ra mang đến nhiều điểm entry hấp dẫn, bạn nên tận dụng lúc này để tối ưu chiến lược giao dịch. Điều này sẽ tạo nên một bước đệm ổn định hơn để bạn có thể sẵn sàng thực hiện kế hoạch đầu tư của mình một cách hợp lý nhất.
Mua stablecoin
Hầu hết các trader đều có thói quen đo lường khoản lỗ/lãi dựa trên giá trị đồng fiat. Do đó, khi một thị trường Bearish xảy ra, bạn có thể chuyển đổi các tài sản trong portfolio (danh mục đầu tư) sang stablecoin để thoát khỏi các khoản lỗ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chuyển đổi fiat sang stablecoin để chuẩn bị cho những cơ hội tiềm năng, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Lời kết
Trải qua các thời kỳ biến động giá, các trader vẫn có thể vượt qua được thị trường Bearish và giữ vững vị thế nếu biết cách tinh chỉnh và cân đối chiến lược đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn thị trường, trader cần phải linh hoạt chuyển đổi để có thể giảm thiểu tối đa khả năng thua lỗ. Bên cạnh đó, vì thị trường tiền mã hoá là một nơi mang khá nhiều biến động, do đó, bạn chỉ cần đầu tư với số tiền mà bạn sẵn sàng chấp nhận mất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết về Bullish là gì? Chiến lược cần có trong thị trường Bullish để có cái nhìn tổng quan hơn giữa các biến động thị trường.
Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.