Thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến một đợt điều chỉnh cực mạnh vào cuối tuần khi có quá nhiều sự biến động xảy ra. Từ cuộc xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraine đến quyết định của FED trong việc tăng lãi suất, hay dự luật quản lý và thắt chặt quy định về sử dụng tiền mã hóa tại Nga, tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy thị trường tài chính nói chung và Crypto nói riêng đi vào một chiếc màn đen ảm đạm.
Khi tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa giảm xuống dưới 2 nghìn tỷ USD vào tuần trước, các ông lớn trong ngành đã bắt đầu ráo tai nhau về một xu hướng thị trường gấu hay nói cách khác là một “Mùa đông Crypto” kéo dài có thể diễn ra.
Đi ngược lại với kỳ vọng của nhiều người trong thị trường này, Bitcoin đã không thể tăng trên $68,000 vào năm 2021, thay vào đó ông hoàng tiền mã hóa đã có một cú “quay xe” và giảm xuống dưới $40,000 khi bước qua năm 2022, gây ra thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư tiền mã hóa, đặc biệt là những ông lớn như MicroStrategy.
Mùa đông Crypto có thật sự đến hay chưa?
“Mùa đông Crypto” là một thuật ngữ chỉ giai đoạn ảm đạm của thị trường tiền mã hóa, khi giá các đồng coin liên tục giảm và khó phục hồi trong thời gian dài. Thông thường, giai đoạn này sẽ diễn ra theo chu kỳ 3-5 năm. Song song với đó là hàng loạt tin xấu ập đến như trộm cắp, lừa đảo và các lệnh cấm của các nhà quản lý. “Mùa đông” gần đây nhất xảy ra vào cuối năm 2017, đầu 2018. Khi đó giá Bitcoin đã giảm từ $20,000 xuống dưới $4,000. Mức giảm này kéo dài hơn một năm khiến hàng loạt dàn máy đào trên khắp thế giới phải đắp chiếu, sụt giá, nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh trắng tay.
Từ khóa này đã quay trở lại và trở thành chủ đề nóng trong cộng đồng tiền mã hóa sau khi giá Bitcoin đã lao dốc kể từ khi đạt mức cao nhất là $69,000 hồi tháng 11/2021. Nhiều nhà đầu cơ và nhà đầu tư cũng đã dự đoán được bức tranh này khi một lượng lớn tài sản kích thích được rút ra để bổ sung vào các nền kinh tế và thị trường bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Đến nay, chỉ số tiền mã hóa Bloomberg Galaxy – công cụ theo dõi các token có tính thanh khoản cao trên thị trường đã giảm khoảng 45% so với mức cao nhất mọi thời đại. Ether, đồng native currency được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, cũng đã giảm khoảng 40% trong cùng chu kỳ.
Xu hướng rớt giá mạnh của Bitcoin hiện nay chỉ là một phần trong vô số những vấn đề tồn tại, chẳng hạn như khối lượng giao dịch cạn kiệt, hợp đồng ETF giảm và số lượng địa chỉ hoạt động bị đình trệ.
Bên cạnh đó, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại. Trong thời kỳ chiến tranh dịch bệnh, dòng tiền sẽ có xu hướng tìm nơi trú ẩn vào các loại tài sản ổn định như vàng. Cụ thể giá vàng đang được giao dịch ở mức $1,904, phá kháng cự $1,876 trước đó, và đang tiến lên vùng kháng cự $1,917 sau khi kết thúc phiên giao dịch tuần qua.
Không riêng vấn đề về địa chính trị giữa các ông lớn, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra lo sợ trước những kế hoạch tăng lãi suất của FED có thể được triển khai vào tháng 3. Đồng thời, nhiều quy định được liên tục đưa ra từ những cơ quan lớn nhất trên thế giới cũng có thể kìm hãm sự phát triển của toàn ngành.
Kết hợp tất cả lại với nhau, chúng ta có thể hình dung nên một bức tranh về tổng thể thị trường, cho thấy thị trường giao dịch Bitcoin đang ảm đạm đi sau khi Bitcoin đạt đỉnh vào khoảng 3 tháng trước. Liệu có phải dấu hiệu cho một Mùa đông Crypto hay chưa? Có lẽ là thật. Rất nhiều đợt giảm giá đã liên tục xảy ra kể từ đầu năm 2022, đánh bay mọi hy vọng của các nhà đầu tư. Và đối với một số người, đợt bán tháo mới nhất trên thị trường đã xác nhận mùa đông đang đến chứ không còn là trong suy đoán nữa.
Vitalik Buterin: “Mùa đông Crypto là một dấu hiệu cực tốt cho thị trường”
Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý lo sợ đang bao trùm thị trường thì nhà đồng sáng lập của Ethereum – Vitalik Buterin lại cho rằng đây là một mùa đông ấm áp đối với những người thật sự am hiểu về lĩnh vực tiền mã hóa đặc biệt là đội ngũ xây dựng dự án, thậm chí họ còn rất hoan nghênh giai đoạn này.
Để lý giải cho quan điểm của mình một cách rõ ràng hơn, Buterin cho biết thị trường cần một đợt suy thoái đủ lâu để thanh lọc các tác nhân gây xấu và mang lại tính cân bằng cho ngành. Những tác nhân ở đây chính là các dự án mới nổi, chưa có kinh nghiệm nhưng lại thổi phồng, viển vông hóa bức tranh lợi nhuận để lôi kéo các nhà đầu tư vội vã gia nhập thị trường.
Đúng là như vậy, trên thực tế Mùa đông Crypto năm 2018 đã quét sạch đi kha khá những chiêu trò đầu tư không trong sạch. Lĩnh vực tiền mã hóa sau giai đoạn đó cũng đã được hưởng lợi và tăng trưởng nhanh vượt bậc. Các quỹ đầu tư đã liên tục rót vốn với con số khủng là 9.3 tỷ USD trong năm 2021 – con số cao nhất trong một lĩnh vực non trẻ như tiền mã hóa. Tuy nhiên lợi nhuận của người này cũng là tổn thất và đau đớn của người khác. Kế hoạch thao túng thị trường, điển hình hành vi pump và dump luôn xảy ra thường xuyên nhằm “triệt tiêu” những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Theo Buterin, “Mùa đông Crypto” cần diễn ra để mọi người thấy dự án nào thực sự bền vững, loại bỏ dự án kém hoặc không tạo giá trị cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nó cũng giúp đội ngũ xây dựng các dự án về tiền mã hóa tập trung vào việc cải thiện công nghệ.
Dù vậy, Buterin cũng thừa nhận rằng, anh đã khá ngạc nhiên về cách thị trường tiền mã hóa biến đổi kể từ năm ngoái và không chắc chắn được liệu “mùa đông” lần này sẽ diễn ra như thế nào, hay chỉ là sự biến động của một thị trường khác lớn hơn. Bởi lẽ, tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine trong hai tuần qua đã bao trùm bóng đen u ám lên toàn bộ ngành tài chính toàn cầu.
“Tôi có cảm giác thế giới tiền mã hoá đang chuyển biến từ một cộng đồng nhỏ yêu thích loại tài sản này sang một phần của thị trường tài chính chính thống rộng lớn hơn”, Buterin nhận định.
Bình luận của Buterin được đưa ra không lâu sau khi giao thức cross-chain phổ biến trên Solana là Wormhole, bị tấn công với số tiền hơn 325 triệu USD. Đáng chú ý vào tháng 1 năm 2022, anh đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng cầu nối cross-chain trong không gian Blockchain. Xét trên phương diện tổng quan hơn, nhà sáng lập Ethereum đã tóm gọn thị trường trong tay từ 9 năm trước, với tầm nhìn và dự đoán đến mức phải khiến cộng đồng “rợn người”. Do đó, phát biểu của anh về tình hình thị trường hiện tại có lẽ sẽ khiến chúng ta phải cân nhắc.
Bitcoin cũng được thiết lập cho một Mùa đông Crypto đến năm 2024
Trong một tin tức khác, nhà đồng sáng lập của sàn giao dịch tiền mã hóa Huobi – Du Jun đã dự đoán rằng, Bitcoin có thể không bước vào giai đoạn uptrend cho đến cuối năm 2024, đầu năm 2025. Thông thường, giai đoạn uptrend của thị trường tiền mã hóa gắn liền chặt chẽ với quá trình giảm phần thưởng khi đào Bitcoin (halving), vốn xảy ra khoảng 4 năm/ lần.
Lần halving gần nhất của Bitcoin diễn ra và tháng 5/2020. Sang năm 2021, giá Bitcoin liên tục lập đỉnh và đạt mốc kỷ lục gần $69,000. Giá đồng coin hàng đầu này cũng từng bứt phá vào năm 2017 khi trải qua đợt halving vào năm 2016.
Song, sau khi đạt đỉnh, giá Bitcoin thường sụt giảm. So với mức đỉnh kể từ tháng 11 năm ngoái, Bitcoin đã bốc hơi hơn 40% giá trị của nó.
“Nếu vòng tròn này tiếp tục, chúng ta hiện ở giai đoạn đầu của thị trường gấu (thị trường giảm). Theo chu kỳ này, phải đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, chúng ta mới có thể chào đón đợt bùng nổ tiếp theo của Bitcoin”, Du nhận định. Theo người đồng sáng lập Huobi, xu hướng thị trường còn bao hàm nhiều yếu tố khác như vấn đề địa chính trị, chiến tranh, hoặc dịch bệnh, cụ thể là đại dịch Covid-19.
Trước đó, Jirayut Srupsrisopa, CEO của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn có trụ sở tại Thái Lan Bitkub Capital Group Holdings, cũng dự đoán rằng, “thời kỳ vàng” cho Bitcoin và các thị trường tiền mã hóa rộng lớn hơn sẽ diễn ra vào năm 2024 do BTC giảm một nửa giá trị của nó.
Tương lai nào cho Bitcoin?
Mặc dù có thể Bitcoin nói riêng và thị trường tiền mã hóa nói chung sẽ phải hứng chịu thảm cảnh như những gì nó trải qua trong mùa đông năm 2018 nhưng nhiều nhà đầu tư lớn vẫn cho rằng còn quá sớm để bàn về “Mùa đông Crypto”.
Dan Morehead, CEO Pantera, nói với Business Insider rằng Blockchain hay tiền mã hóa sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì cộng đồng người dùng hiện lớn hơn bốn năm trước rất nhiều. Các nhà đầu tư không chỉ bó hẹp trong những cá nhân nhỏ lẻ nữa mà thay vào đó là sự tham gia của rất nhiều tay lớn như Tesla hay MicroStrategy, cùng với các quỹ đầu tư thanh khoản. Chưa kể các mô hình liên quan như game, NFT, tài chính phi tập trung… đang nở rộ. Theo CryptoCompare, tổng giá trị thị trường của Bitcoin đã tăng từ 767 tỷ USD vào đầu năm ngoái lên 2,220 tỷ USD vào cuối năm vừa rồi.
Tóm lại, như lời Vitalik nói thì thời điểm này vừa là thách thức cũng là cơ hội để Bitcoin được gột rửa thật sự. Thị trường cần phải điều chỉnh và mùa đông là giai đoạn để đội ngũ các dự án tập trung xây dựng, đồng thời thanh lọc đi những dự án yếu kém, không đủ khả năng tồn tại trong thế giới mã hóa này.
Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.