Có thể thấy thị trường tài chính toàn cầu hiện tại đang rơi vào trạng thái vô cùng nhạy cảm, khi mà suy thoái và khủng hoảng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Liệu đâu là những rào cản khiến thị trường khó hồi phục? Liệu những khó khăn này sẽ được giải quyết trong thời gian sắp tới? Hãy cùng Bitcoincuatoi tìm hiểu thông qua góc nhìn bên dưới nhé!
Nguyên nhân lạm phát toàn cầu tăng phi mã
Hiện tại thị trường hầu như chỉ quan tâm vào phần ngọn của vấn đề chính là việc FED – cái tên đang ở trong một vị thế khó có thể ” hạ cánh nhẹ nhàng” liên tục tăng lãi suất nhằm giúp lạm phát suy giảm mà không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa gây nên lạm phát.
Trong suốt hai năm đại dịch và khoảng thời gian hậu đại dịch vừa qua, thế giới đã chứng kiến một lượng tiền khủng khiếp được bơm ra nhằm hỗ trợ và kích thích kinh tế từ những ngân hàng trung ương trên hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, việc mức lãi suất của hầu hết các quốc gia đều đồng loạt hạ về mức thấp kỷ lục cũng góp phần khiến cho dòng tiền tín dụng tăng trưởng phi mã.
Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề trước đây, nguyên nhân thật sự khiến cho lạm phát liên tục đạt đỉnh trong thời gian gần đây lại đến từ:
- Các quốc gia đồng loạt áp lệnh trừng phạt với Nga để phản đối hành động tấn công Ukraine của tổng thống Putin gây nên cú sốc về chi phí nguyên vật liệu, và nguồn cung nguyên vật liệu khi
- Trung Quốc “đóng cửa” và quay lại thực hiện chính sách phòng chống Covid cực đoan khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi hiện tại họ đang được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”.
Chính hai vấn đề cốt lõi trên là nguyên nhân khiến cho giá cả hàng hóa tăng chóng mặt và gây ra lạm phát trầm trọng tại các quốc gia và thúc đẩy cho chủ nghĩa “diều hâu” của FED trong vấn đề làm suy giảm lạm phát.
Những kịch bản có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu
Chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách covid cực đoan
Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đến hồi kết khiến cho giá dầu tăng cao hơn mức dự kiến ($90) và đang được giao dịch ở quanh mức $110 Điều này khiến cho chi phí sản xuất, vận chuyển và giá cả hàng hóa tiêu dùng “đội giá” lên khá cao.
Bên cạnh đó, chính sách đóng cửa của Trung Quốc cũng khiến cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu đứng trước nguy cơ khủng hoảng gây ra sự đổ vỡ hàng loạt của nhiều tập đoàn lớn. Điều này gây ra mối lo ngại rất lớn cho thị trường tài chính, đặc biệt ở những quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung sản xuất tại Trung Quốc.
Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đặc biệt là FED sẽ phải tiếp tục mạnh tay với thứ mà họ có thể tác động lên lúc này – lãi suất và bảng cân đối. Điều này vô hình chung gây ra rủi ro tín dụng trên toàn cầu và một cú sập mạnh cho tất cả thị trường tài chính nói chung và thị trường crypto nói riêng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi hiện tại mức thanh khoản của tất cả các ngách của thị trường tài chính toàn cầu đang ở mức rất thấp.
Chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, Trung Quốc mở cửa trở lại.
Nguy cơ xảy ra một cú sập mạnh cho tất cả thị trường tài chính nói chung và thị trường crypto nói riêng là điều hoàn toàn có thể xảy ra vì cú sốc nguồn cầu dầu và nguyên vật liệu khi Trung Quốc mở cửa lại nhưng cuộc chiến ở Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn chưa chấm dứt.
Theo đó, Trung Quốc được biết đến nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới với hơn 30% lượng hàng hóa trên toàn cầu được sản xuất tại đây. Theo đó, lượng dầu mỏ nền kinh tế Trung Quốc tiêu thụ chiếm 13% sản lượng tiêu thụ toàn cầu. Vì thế, khi Trung Quốc mở cửa lại trong bối cảnh Nga vẫn tham chiến và chịu trừng phạt của Châu Âu có thể khiến cho nguồn cầu dầu mỏ toàn cầu bị shock, dẫn đến tình trạng giá dầu mỏ tăng phi mã.
Ở kịch bản ngắn hạn này, giá dầu có thể tăng phi mã lên mức $140-$150. Nếu điều này xảy ra, thị trường chung chắc chắn sẽ chịu một cú sốc lớn nếu như không tìm được nguồn cung dầu thay thế cho nguồn cung của Nga.
Tình trạng giá dầu mỏ tăng phi mã đồng thời sẽ khiến cho chi phí vận chuyển, sản xuất của các nền kinh tế gia tăng , điều này khiến cho giá hàng hóa tiêu dùng trở nên đắt đỏ và tình trạng lạm phát sẽ trở nên vô cùng tồi tệ với sức mua bị suy giảm mạnh.
Qua đó thị trường tài chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi đối diện với tình trạng lãi suất tăng cao, hàng hóa đắt đỏ, lực cầu hàng hóa yếu dẫn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên tồi tệ.
Tình hình hiện tại của thị trường
Hiện tại vẫn còn đó những rủi ro của một cuộc đại suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, thật sự rất khó để viễn cảnh này có thể xảy ra.
Đặc biệt với những thông tin về FED và các ngân hàng trung ương khác đã giảm tải những áp lực của chính sách “diều hâu” đối với lãi suất trong tháng 5 vừa qua. Ngoài ra tuy thị trường đang bị khủng hoảng thanh khoản, cả phe mua và phe bán đều “án binh bất động”, nhưng lượng tiền mặt trong thị trường đặc biệt là các quỹ và nguồn dự trữ của các ngân hàng hiện đang ở mức cao kỷ lục. Điều này giúp đảm bảo sẽ không xuất hiện một cú sụt giảm quá sâu vì lượng tiền mặt khổng lồ ngoài thị trường vẫn đang chực chờ.
Đồng thời mức định giá của các thị trường tài chính hiện tại đều đang ở mức thấp – dưới ngưỡng giá trị thực.
Ngoài ra, một thông tin đáng mừng khác là tổng khối lượng đòn bẩy margin ở Mỹ đã sụt giảm mạnh xuống còn khoảng 750 Tỷ USD. Điều này giúp thị trường tài chính chung và cả thị trường crypto ổn định hơn trong thời gian tới.
Dự phóng thị trường Crypto trong thời gian tới
Từ năm 2020 thị trường Crypto bắt đầu nhận được nguồn tiền đầu tư từ các quỹ và nhà đầu tư đến từ thị trường tài chính truyền thống. Nên thời gian gần đây khi thị trường tài chính không ổn định và có nguy cơ suy thoái. thị trường Crypto cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo cá nhân mình điều này đến từ việc những nhà đầu tư cá nhân và những quỹ tài chính truyền thống cần phải cơ cấu lại danh mục của mình và hiện tại đa số họ xem Crypto là một tài sản rủi ro, nên việc cắt bớt khoản đầu tư bên Crypto nhằm dự trữ tiền mặt hoặc ký quỹ để giữ tránh cho những tài sản tài của chính truyền thống như trái phiếu, cổ phiếu,… bị thanh lý là điều họ sẽ làm ngay lúc này để cân bằng lại rủi ro cho danh mục đầu tư của mình.
Dự đoán thời gian tới khi thị trường tài chính sẽ bình ổn hơn, những dòng tiền đang chực chờ bên ngoài thị trường và cả lượng tiền dự trữ của ngân hàng sẽ bắt đầu được giải ngân nhằm thu mua các tài sản tài chính bất chấp xu thế suy thoái. Đặc biệt những dòng tiền đầu tư ngắn hạn lúc này sẽ phải tìm kiếm một kênh đầu tư ngắn hạn tiềm năng, rất có thể dòng tiền này sẽ đổ vào thị trường Crypto và chúng ta sẽ chứng kiến một đợt tăng trưởng ( Bullrun) mới.
Lời kết
Hiện tại mọi thứ trên thị trường tài chính vẫn chưa rõ ràng, cả phe mua và phe bán đều đang rất thận trọng và chưa bên nào đạt được ưu thế tuyệt đối. Anh em tuyệt đối không nên All-in và chờ đợi những thông tin rõ ràng hơn.
Chúc anh em nhận được nhiều thông tin giá trị qua phân tích và hẹn gặp anh em ở những bài phân tích tiếp theo.
Trump Thành
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.