DXY quay lại đỉnh của 2 thập kỷ trước? Bitcoin sẽ đi về đâu?

Chỉ số đồng Dollar (DXY) đang có dấu hiệu quay lại đỉnh cũ của hai thập kỷ trước, thị trường tiền mã hóa liệu sẽ đi về đâu?

DXY là gì?

DXY – Chỉ số đô la Mỹ (USDX) là thước đo giá trị của đồng đô la Mỹ so với rổ ngoại tệ (USDX). Được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thành lập vào năm 1973 sau khi Hiệp định Bretton Woods bị giải thể, DXY hiện được duy trì bởi ICE Data Indices, một công ty con của Intercontinental Exchange (ICE).

Sáu loại tiền tệ trong USDX được coi là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ, nhưng chỉ số này chỉ được cập nhật một lần: vào năm 1999 khi đồng euro thay thế đồng Mark – Đức, Franc – Pháp, Turkish lira – Ý, Guild – Hà Lan và Franc – Bỉ.

Hiện tại EUR là loại ngoại tệ chiếm trọng số cao nhất trong rổ tiền tệ lên đến gần 58%. Trong tương lai, các loại ngoại tệ như Nhân dân tệ Trung Quốc (RMB) hay Mexico Peso (MXN) có thể được bổ sung vào rổ tiền tệ, vì các quốc gia này đã trở thành đối tác quan trọng của Hoa Kỳ đồng thời cũng đang có những chuyển biến đáng kinh ngạc.

Hiện tại Chỉ Số Đồng Dollar được tính toán từ tỷ giá của 6 loại tiền tệ bao gồm EUR: Euro (56.60%), JPY: yên Nhật (13.60%), GBP: bảng Anh (11.90%), CAD: Dollar Canada (9.10%), SEK: krona Thuỵ Điển (4.20%) và CHF: franc Thuỵ Sỹ (3.60%).

Cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các quốc gia và chu kỳ dòng tiền

Cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các quốc gia

Khác với diễn biến hợp tác hòa bình giữa các quốc gia trên hầu hết các lĩnh vực sau chiến tranh lạnh và đệ nhị thế chiến, ở lĩnh vực tài chính luôn tồn tại một cuộc chiến ngầm về tiền tệ giữa các quốc gia.

Thông thường vào thời điểm ổn định của thị trường tài chính, các quốc gia thường muốn định giá thấp đồng tiền của mình nhằm lấy lợi thế thương mại, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa trên trường quốc tế từ đó giúp đẩy mạnh xuất khẩu của quốc gia.

Ví dụ điển hình nhất chính là hành động hạ giá đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc nhằm lấy lợi thế thương mại, đặc biệt là với Mỹ – thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Cuối cùng sau 12 vòng đàm phán thương mại chưa đưa lại kết quả, Tổng thống Mỹ thời điểm đó – Donald Trump đã quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại 10% đối với thêm $300B giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Ông Trump có thể sẵn sàng gây chiến tranh tiền tệ với Trung Quốc nhưng không có quyền buộc Fed phải chạy đua phá giá đồng tiền với Trung Quốc.
Nguồn: Internet

Tuy nhiên trước tình hình suy thoái kinh tế do đại dịch Covid và những biến động trên chính trường quốc tế thời gian qua, hiện tại các quốc gia đang tìm cách đẩy mạnh chạy đua với lãi suất nhằm gia tăng sức mạnh tiền tệ, thu hút nhập khẩu giảm lạm phát. Điều này có thể hiểu đơn giản là đang cố gắng tăng giá trị tiền tệ nội địa nhằm xuất khẩu lạm phát sang nước khác.

Chu kỳ dòng tiền của FED và ảnh hưởng đến thị trường vốn toàn cầu

Dường như cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ – ngân hàng trung ương quyền lực nhất trên thế giới với quyền kiểm soát 100% đồng bạc xanh luôn có sẵn một kế hoạch cho suy thoái.

Trong suốt khoảng thời gian kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chỉ số DXY đã chứng kiến một đà tăng trưởng trở lại sau hơn 6 năm ròng chứng kiến sự sụt giảm kể từ thời điểm bong bóng Dotcom.

Được biết kể từ thời điểm bỏ đi bản vị vàng vào năm 1971, đồng bạc xanh gần như nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ. Với vị thế là đồng tiền thương mại quốc tế của đồng USD, gần như có thể nói rằng mọi vấn đề tài chính toàn cầu hiện tại chịu ảnh hưởng vô cùng lớn đến từ những quyết định của cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ-FED.

Hoa Kỳ luôn sẵn sàng mạnh tay với bất kỳ ai dám đe dọa đến sức mạnh của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế.

Chính sách của FED sẽ chia làm 2 thời kì đáng chú ý đó là:

  • Nới lỏng định lượng
  • Thắt chặt định lượng

Vào thời kỳ nới lỏng định lượng, với mục đích kích thích tăng trưởng nền kinh tế của Hoa Kỳ cũng như toàn cầu và đưa đồng USD đi đến khắp các quốc gia trên thế giới qua các chính sách viện trợ, hợp tác. Lúc này FED dường như sẽ tìm cách để duy trì giá trị đồng Dollar ở mức thấp phù hợp bằng chính sách hạ lãi suất và gia tăng tài sản trong bảng cân đối của mình

Vào thời kỳ thắt chặt định với mục đích hạ nhiệt nền kinh tế nhằm giúp cân bằng mức lạm phát, FED sẽ tìm cách gia tăng giá trị của đồng Dollar một cách nhanh chóng, thường sẽ thông qua chính sách tăng lãi suất và giải ngân tài sản trong bảng cân đối của mình.

Đơn giản hơn, như cách những nhà kinh tế thường hay chỉ trích cục dự trữ liên bang là nguồn cơn của mọi cuộc suy thoái và khủng hoảng. Với vị thế là kẻ nắm chủ cuộc chơi tài chính cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ – FED chỉ có một mục đích duy nhất đó chính là bảo vệ vị thế của đồng bạc xanh bằng trò chơi tung và thu dây câu của mình.

Liệu mọi chuyện có đơn giản như truyền thông đang đưa tin về một nền kinh tế già cỗi của Hoa Kỳ sẽ bị soán ngôi bởi con rồng Trung Hoa?

Đó là điều mà họ đã nhắc đi nhắc lại vào năm 2018-2021 khi mà phần trăm vốn hóa của chứng khoán Mỹ đã giảm sâu về mốc 44% so với toàn cầu. Để rồi bất chấp nguy cơ suy thoái của thị trường tài chính toàn cầu vốn hóa thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nhanh chóng tăng trưởng lên mốc 61% vào đầu năm 2022.

January 2022 Newsletter: The Capital Sponge
Nguồn: Internet

Những anh em tham gia thị trường tiền mã hóa lâu năm sẽ nhận ra rằng điều này khá tương đồng với chỉ số BTC.DOM của Bitcoin. Có phải chăng cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ vẫn đang là kẻ âm thầm điều khiển cuộc chơi tài chính toàn cầu?

FED bắt đầu thu dây câu, DXY tăng trưởng mạnh mẽ

Sau quãng thời gian dài âm thầm nhỏ giọt nới lỏng các chính sách tiền tệ của mình nhằm phục hồi nền kinh tế hậu khủng hoảng năm 2008.

Đại dịch Covid đã đẩy nhanh tiến độ tung dây câu của FED lên rất nhiều, chỉ trong 2 năm 2020 và 2021 tổng lượng tiền tín dụng được bơm ra nền kinh tế tăng gấp 5 lần chỉ trong 2 năm, lượng cung tiền tăng trưởng bằng 60 năm trước đó cộng lại.

Lượng cung tiền dư thừa trong dài hạn sẽ gây ra một áp lực lạm phát khổng lồ, điều này buộc FED phải thực hiện chính sách QT nhằm thu hẹp lại nguồn cung tiền khổng lồ đã bơm ra thị trường.

Đi cùng với việc thu hẹp lại nguồn cung tiền chính là quá trình nâng giá trị đồng USD nhằm thực hiện chính sách xuất khẩu lạm phát sang các quốc gia khác.

Nguồn: Tradingview

Hiện tại dự đoán trong tương lai, lãi suất sẽ vẫn tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao. Điều này khiến cho việc đầu tư và đầu cơ sẽ không còn quá hấp dẫn khi so sánh với việc nắm giữ các khoản gửi tích kiệm và trái phiếu chính phủ, thị trường tài chính toàn cầu sẽ chứng kiến một sự đổ máu.

Bitcoin sẽ đi về đâu?

Cũng giống như tình hình thị trường tài chính chung, Bitcoin cũng sẽ khó tránh khỏi việc tụt giảm giá trị khi FED thực hiện chính sách QT.

Trước áp lực suy thoái toàn cầu và áp lực từ chính sách tiền tệ diều hâu của cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, vẫn sẽ tồn tại khả năng Bitcoin sẽ còn giảm sâu, đặc biệt nếu trường hợp khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra.

Vùng giá xung quanh mốc $15K, $10K thậm chí sâu hơn hoàn toàn có thể đến nếu kịch bản về một cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra.

Lời kết

Chỉ số đồng USD – DXY có xu hướng tiến về đỉnh của 2 thập kỷ trước cho thấy một xu hướng tăng lãi suất và siết dòng tiền mạnh mẽ từ cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, thế lực tài chính mạnh mẽ nhất thế giới.

Bitcoin được dự đoán sẽ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai bởi sự việc này.

Hi vọng anh em nhận được nhiều giá trị qua bài viết.

Trump Thành


* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến ​​thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Leave a Comment