Sự kiện FED tăng lãi suất và sự sụp đổ của LUNA dường như đã kéo thị trường xuống trong cả tháng 5 này. Cùng Bitcoincuatoi điểm lại những tin tức quan trọng trong tháng 5, cũng như những sự kiện có thể kéo thị trường vực dậy trong thời gian tới nhé.
- FED siết chặt dòng tiền – Thị trường Crypto đỏ lửa
- Sự sụp đổ của LUNA và UST
- Sự kiện The Merge của Ethereum
- Tình trạng pháp lý của Bitcoin tại Trung Quốc
- Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk
- a16z ra mắt quỹ 4.5 tỷ USD
- Binance và tham vọng gia nhập sân chơi thế giới
- Liệu rằng thị trường có vượt qua giai đoạn hỗn loạn khi tháng 5 kết thúc?
- Lời kết
FED siết chặt dòng tiền – Thị trường Crypto đỏ lửa
Những quyết định từ FED luôn là chất xúc tác lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế thị trường chung, và Crypto cũng không nằm ngoại lệ. Theo đó, để giải quyết vấn đề lạm phát đang tăng mức kỷ lục, FED đã đưa ra quyết định tăng lãi suất, và tháng 5 chính là thời điểm FED tăng lãi suất lần thứ 2 trong năm 2022.
Trước khi FED chính thức công bố thông tin về mức tăng lãi suất, BTC giảm mạnh từ $40K về mốc $37K (26/4) và đóng nến tháng 4 ở mức $37.5K, Altcoin giảm từ 10-20%, Funding rate các sàn top đều âm.
Cho đến khi FED chính thức công bố tăng lãi suất 0.5% (vào ngày 05/05), Bitcoin dần hồi phục về mức $40K, các Altcoin đều khởi sắc, trái với tình trạng của thị trường kinh tế chung. Tuy nhiên, chưa đầy 12 giờ sau đó, BTC đã dump mạnh về $36K trước sự ngỡ ngàng của cả cộng đồng Crypto.
Nhiều người đưa ra ước tính nếu FED tiếp tục đà tăng % lãi suất như hiện tại, thì đến cuối năm 2023, % lãi suất sẽ ở trên mức 2%. Đây là mức tăng trưởng khá nhanh, do trước đó FED đã mất 4 năm (2015 – 2019) để tăng lãi suất từ 0.12% lên 2.42%.
Bên cạnh đó, nguyên nhân được cho là đã khiến cho thị trường hỗn loạn vào tối 5/5 là do hầu hết các nhà đầu tư đã bỏ qua thông tin FED sẽ bán tài sản trong balance sheet với mức $47.5B/ tháng (T6,7,8) và tăng lên gấp đôi $95B/ tháng trong 3 tháng kế tiếp. Hiện balance của FED khoảng $9,000B. Đây là một trong những thông tin quan trọng khác bên cạnh việc tăng lãi suất để FED để siết chặt dòng tiền trên thị trường hơn nữa.
Tháng 6 và tháng 7 là thời điểm FED tiếp tục công bố mức tăng lãi suất để “chạy nước rút” với mức độ tăng trưởng của lạm phát, Chủ tịch FED – Jerome Powell cho biết việc nâng lãi suất thêm 0.5% vẫn được cân nhắc trong 2 lần tăng tiếp theo, FED không muốn tăng cao hơn mức này. Đây có lẽ là lời nhắc nhở để thị trường có sự chuẩn bị tốt hơn trong những lần tăng lãi suất tiếp theo của FED.
Xem thêm: FED là gì? Tại sao các quyết định của FED lại ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hoá?
Sự sụp đổ của LUNA và UST
Terra (LUNA) có lẽ là dấu ấn khó phai trong tháng 5, và đây cũng là sự kiện chấn động trong lịch sử Crypto khi một dự án thuộc Top 10 thị trường bị chia 100 triệu lần từ ATH.
Sự kiện này bắt đầu vào ngày 8/5 khi có một cá voi bán phá giá 285 triệu UST, thông qua giao thức stableswap Curve. Ngay sau đó, khắp diễn đàn Crypto đã đồng loạt xuất hiện những bài đăng tố cáo mô hình Stablecoin của Terra là mô hình Ponzi, kết quả trong một thời gian ngắn UST đã tụt giảm xuống còn 0.98 USD. Giá trị của LUNA đã bị ảnh hưởng bởi cơ chế mint-burn với UST và giảm 20%.
Vào ngày 11/5, CEO Terra – Do Kwon đã nỗ lực cứu lấy UST khi tuyên bố hy sinh LUNA để đưa peg UST về $1 bằng cách mint thêm token LUNA. Kế hoạch này của Do Kwon đã khiến cho nguồn cung LUNA tăng lên con số khổng lồ, lên đến 6,900 tỷ LUNA. Tuy nhiên, giá LUNA tiếp tục dump mạnh và chính thức bị chia đến 100 triệu lần từ ATH và giá UST vẫn không thể khôi phục được.
Sau khi LUNA và UST đã sụp đổ hoàn toàn và không thể khôi phục lại được, vào ngày 17/05, CEO Do Kwon đã đưa ra đề xuất mới nhằm tái sinh Terra bằng cách tạo ra Terra 2.0.
Terra 2.0 đã chính thức ra mắt sau khi nhận hơn 65% phiếu vote thông qua. Đây là một Blockchain hoàn toàn mới, bắt đầu từ Genesis 0, không có stablecoin thuật toán UST và không có bất cứ dữ liệu liên kết nào với Terra Classic (Terra cũ). Đồng thời, các dApp và các dự án khác hiện đang có trên Terra sẽ được chuyển sang Terra 2.0.
Chain cũ sẽ được gọi là Terra Classic (LUNC) và chain mới sẽ được gọi là Terra (LUNA). Cả 2 chain sẽ cùng tồn tại song song.
Sự sụp đổ của Terra tưởng chừng như sẽ đặt dấu chấm hết cho Terra 2.0, tuy nhiên, trái ngược với suy đoán của các nhà đầu tư, token LUNA đã có màn ra mắt ấn tượng khi x60 lần, tăng từ $0.5 lên $30 và hiện tại đang được giao dịch quanh vùng $6 trong vòng 2 ngày qua.
Terra 2.0 cũng đang trong quá trình đền bù cho các nhà đầu tư Terra Classic bằng cách Airdrop LUNA. Liệu rằng Terra 2.0 có đem vinh quang trở về cho dự án được hay không? Hãy theo dõi sự phát triển của Terra 2.0 trong tương lai nhé.
Xem thêm:
Sự kiện The Merge của Ethereum
Sự tăng phát triển của các đồng coin hàng đầu thị trường như BTC và ETH, có sẽ là động lực giúp các Altcoin phục hồi trở lại. Do đó, sự kiện The Merge – sự kiện hợp nhất Ethereum cùng chuỗi BeaconChain – chuỗi Blockchain với cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS), đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng trong khi thời gian hợp nhất ngày càng đến gần hơn (dự kiến tháng 8/2022).
Ban đầu, Beacon Chain sẽ tồn tại riêng biệt với chuỗi chính Ethereum mà chúng ta sử dụng. Nhưng cuối cùng cả hai sẽ được kết nối. Kế hoạch là “hợp nhất” Mainnet vào hệ thống PoS được kiểm soát và điều phối bởi Beacon Chain.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Ethereum, Vitalik Buterin đã phát biểu rằng:
“Đây sẽ là một thử nghiệm lớn, lớn hơn bất kỳ thử nghiệm nào mà chúng tôi đã thực hiện trước đây, Thực hiện một mạng thử nghiệm lớn hiện có với nhiều ứng dụng có PoW, chuyển sang PoS”
Vào ngày 30/5, testnet Ropsten của Ethereum đã chính thức ra mắt Beacon Chain. Đây đồng thời cũng là testnet PoW duy nhất của Ethereum. Nó sao chép trung thực mọi biến động phí gas mà các nhà phát triển hoặc người dùng sẽ gặp phải trên mainnet Ethereum.
Do độ phức tạp của bản nâng cấp, testnet Ropsten của Ethereum 1.0 đã ghi nhận vấn đề trong việc kích hoạt cơ chế TTD cho The Merge, chuỗi Baecoin Chain của Ethereum 2.0 bị reorg 7 Block. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển Ethereum đã nhanh chóng khắc phục lỗi trên, khẳng định đây đều là các trường hợp với xác suất tái xảy ra thấp.
Có thể nói bản nâng cấp The Merge có tác động rất lớn đến Ethereum, giúp cho phí giao dịch rẻ hơn, tốc độ giao dịch nhanh hơn; nhờ vào đó người dùng sẽ quay lại với DeFi, GameFi và NFT trên Ethereum và dòng tiền sẽ đổ vào hệ sinh thái. Bên cạnh đó, The Merge cũng giúp giảm lạm phát của ETH, từ 4%/ năm xuống chỉ còn 1%/ năm. Việc hợp nhất thành công testnet PoW của Ropsten với Beacon Chain PoS sẽ là một điềm báo vô cùng tốt cho quá trình mainnet sắp tới trên Ethereum. Đây sẽ là những lý do giúp ETH phi mã trong tương lai và có thể kéo “mood” thị trường khỏi giai đoạn hỗn loạn như hiện tại.
Xem thêm: Beacon Chain có phải là giải pháp tối ưu nhất cho tương lai của Ethereum?
Tình trạng pháp lý của Bitcoin tại Trung Quốc
Những tuyên bố về Bitcoin từ Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Crypto. Vào 19/5/2019 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ nhắc lại tuyên bố “Tiền mã hóa không được phép dùng làm phương tiện thanh toán ở quốc gia này”. Ngay lập tức giá Bitcoin tụt giảm 7% và tiếp đó là một đà giảm gần 60% giá trị kể từ ATH vào 4/2021.
Tuy nhiên, đến tháng 5 vừa qua, Tòa án nhân dân Thượng hải tuyên bố “Bitcoin là một loại tài sản cần được pháp luật bảo vệ“.
Liu Jiang – Chánh án trong vụ án, cũng giải thích rằng các tài liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cung cấp chưa bao giờ phủ nhận Bitcoin là tài sản và luật pháp ở Trung Quốc không cấm công dân nắm giữ chúng.
Điều này có nghĩa là hiện tại Trung Quốc không hề cấm người dân dự trữ Bitcoin mà chỉ cấm các giao dịch Bitcoin tự phát không thông qua chính phủ. Khả năng rất cao Trung Quốc là nước có lượng dự trữ Bitcoin lớn nhất, giống như việc họ rất tích cực dự trữ đồng Dollar.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang tiến hành airdrop đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho rằng e-CNY có thể hoạt động như một công cụ tiềm năng có thể được sử dụng để giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương cùng với việc cải thiện hiệu quả của một số dịch vụ tài chính nhất định.
Nếu Trung Quốc công bố rõ ràng hơn những quy định về Bitcoin, thì đây sẽ là động lực lớn giúp thị trường phi mã.
Xem thêm: Trung Quốc có thật sự cấm Bitcoin?
Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk
Telon Musk đã “chốt đơn” mua lại Twitter với mức giá 44 tỷ USD sau nhiều ngày thảo thuận. Sau khi giao dịch hoàn tất, Twitter sẽ quay về làm một công ty tư nhân chịu sự quản lý hoàn toàn của Elon Musk.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, nhiều quỹ đầu tư Crypto đã tham gia cùng Elon Musk mua lại Twitter với số tiền huy động được là $7.14 tỷ USD. Trong số đó, có sự góp mặt Binance với số tiền 500 triệu USD, sàn giao dịch này cũng trở thành một trong 18 nhà đồng đầu tư trong thương vụ mua lại này cùng với những công ty đầu tư mạo hiểm lớn trong ngành Crypto như Sequoia Capital Fund và Fidelity Management and Research Company.
Việc các quỹ đầu tư lớn tham gia cùng Elon Musk trong thương vụ mua lại Twitter được kỳ vọng sẽ giúp Crypto dễ dàng tiếp cận với nhiều người dùng trên nền tảng mạng xã hội hơn.
Elon Musk đã tweet vào ngày 13/5 rằng ông quyết định “tạm hoãn” thương vụ mua lại Twitter để xem xét liệu con số tài khoản giả mạo (fake và spam) trên Twitter có thực sự chỉ chiếm 5% như công ty đã tuyên bố hay không. Tuy nhiên, Musk vẫn khẳng định sẽ mua lại mạng xã hội này.
a16z ra mắt quỹ 4.5 tỷ USD
Trong giai đoạn nhạy cảm của thị trường, công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz (a16z) thông báo ra mắt quỹ trị giá 4.5 tỷ USD đầu vào các công ty khởi nghiệp tiền mã hóa và Blockchain. Trong đó:
- 1.5 tỷ USD sẽ dành cho seed round
- 3 tỷ USD sẽ dành cho các khoản đầu tư mạo hiểm
Đây là quỹ thứ 4 của Andreessen Horowitz và nâng tổng giá trị đầu tư của quỹ từ trước đến nay lên 7.6 tỷ USD. Quỹ đầu tiên của a16z ra mắt cách đây 4 năm, trong thời kỳ “mùa đông tiền mã hóa”.
A16z cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi hiện đang bước vào kỷ nguyên vàng của Web3. Các blockchain đã có thể lập trình đủ nâng cao và một loạt các ứng dụng đã tiếp cận hàng chục triệu người dùng. Quan trọng hơn, một làn sóng lớn các tài năng trên thế giới đã tràn vào Web3 trong năm qua.”
a16z đã bày tỏ niềm tin về Web 3.0 và sự lạc quan của mình ở thời điểm hiện tại trong báo cáo “State of Crypto”. Theo a16z:
- Web 3 là nơi các nền tảng và ứng dụng mang tới cho nhà sáng tạo nội dung khoản thu nhập tốt hơn, công bằng hơn.
- Phi tập trung, không bị kiểm soát bởi bất cứ bên thứ ba nào.
- Dữ liệu thông tin user được bảo mật hoàn toàn, không ai có thể truy cập sửa đổi hay xoá bỏ chúng.
- Các ứng dụng và nền tảng Web 3 không có máy chủ trung tâm tập trung mà tồn tại song song bất kể không gian và thời gian.
Ngoài ra A16z còn đề cập đến GameFi, DeFi, Stablecoin, NFTs,…
Binance và tham vọng gia nhập sân chơi thế giới
Sàn giao dịch Binance đang nỗ lực để mở rộng sự hiện diện của mình và đã nhận được giấy phép hoạt động tại Pháp và Ý trong tháng 5 này.
Vào ngày 4/5, AMF đã đưa Binance vào danh sách các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa đã đăng ký ở Pháp. Đây là bước quan trọng để Binance bắt đầu những hoạt động liên quan đến tiền mã hóa ở Pháp, bao gồm lưu ký, trao đổi và vận hành nền tảng giao dịch Crypto.
Tiếp nối cho sự chiến thắng của mình, vào ngày 27/5, Binance đã chính thức thông báo về việc chi nhánh Binance tại Ý đã được đăng ký thành công.
“Quy định rõ ràng và hiệu quả là điều cần thiết để áp dụng tiền mã hoá một cách hợp pháp. Chúng tôi cảm ơn Bộ Kinh tế & Tài chính và OAM vì những nỗ lực của họ trong việc xác định, kiểm soát các yêu cầu cần thiết để hoạt động ở Ý một cách minh bạch hoàn toàn.” – CZ cho biết.
Bên cạnh Ý, Binance cũng đã mở rộng chiến lược “xâm chiếm thế giới” của mình khi nhận được giấy phép hoạt động tại Bahrain và Dubai. Hơn thế nữa, Biannce cũng đang đàm phán với cơ quan quản lý tại Đức với mong muốn được cấp giấy phép hoạt động tại đất nước này.
Liệu rằng thị trường có vượt qua giai đoạn hỗn loạn khi tháng 5 kết thúc?
Bitcoin đã đổ nến đỏ 9 tuần liên tiếp khi sideway quang vùng $28K – $30K. Tuy nhiên, chỉ còn 1 ngày nữa để đóng nến tháng, BTC đã phá cản $31K, kéo theo hàng loạt Altcoin phủ cho mình sắc xanh.
- FED tiếp tục tăng lãi suất với mức 0.5% đã công bố trước đó
- Sự kiện The Merge của Ethereum diễn ra thành công vào tháng 8/2022
- Elon Musk chính thức trở thành chủ sở hữu của Twitter để nâng cao quyền tự do ngôn luận
- Trung Quốc công bố quy định rõ ràng hơn về Bitcoin
Trong thời gian sắp tới, nếu như những sự kiện trên diễn ra thành công và đúng theo những kế hoạch đã đề ra trước đó, thì có lẽ thị trường sẽ có cú “lội ngược dòng” trong năm 2022.
Lời kết
Lời nguyền “Sell in May” có vẻ đã ứng nghiệm vào tháng 5 năm nay, tuy nhiên chỉ còn 1 ngày nữa chúng ta sẽ kết thúc tháng 5 này. Cùng chờ xem những diễn biến sắp tới của thị trường nhé!
Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.