Trước sức ép của sự kiện thiên nga đen của tiền mã hóa, cùng lượng cung tiền tín dụng khổng lồ vẫn đang được ồ ạt rút vào trên toàn thế giới, có lẽ mọi chuyện vẫn chưa thực sự kết thúc.
Sự kiện thiên nga đen của tiền mã hóa vẫn chưa thật sự kết thúc
Đầu tiên và quan trọng nhất, kể từ khi 3AC chính thức tuyên bố phá sản, chúng ta vẫn chưa thấy một đợt thanh lý từ các tài sản của 3AC. Dù gì 3AC cũng đã từng là một quỹ lớn, các loại tài sản như BTC, ETH và nhiều hơn nữa vẫn chưa bị thanh lý hay bán tháo công khai nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các chủ nợ.
Hiện tại 3AC vẫn còn đó hàng chục ví tiền mã hóa có tổng giá trị hàng chục ngàn ETH.
Câu chuyện sẽ vẫn còn tiếp tục ở phía trước, cả thị trường đang chờ tới khi hệ thống pháp lý vào cuộc nhằm giải quyết các tranh chấp xung quanh việc thực hiện nghĩa vụ của 3AC. Khi họ buộc phải thực hiện bán ra các tài sản tiền mã hóa và NFT của mình, điều này tiềm ẩn rủi ro gây ra một cơn bán tháo điên cuồng trên thị trường tiền mã hóa.
Ngoài ra sự kiện thiên nga đen vừa qua cũng đã kéo theo rất nhiều công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa đối diện với nguy cơ phá sản, nổi bật như Voyager, Blockfi, Celsius,.. Nổi bật nhất là Celsius khi vừa tiết lộ một khoản lỗ dồn tích lên đến 2 tỷ USD.
Mọi chuyện có lẽ vẫn chỉ là khởi đầu!
Những rủi ro trực chờ từ thị trường tài chính chung
Với sự mở rộng mạnh mẽ của thị trường tiền mã hóa, các tin tức về thị trường tài chính chung đang có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thị trường.
Rủi ro từ FED
Đà gia tăng nguồn cung tiền tệ từ FED đã bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tuy nhiên mãi đến thời điểm đại dịch Covid, mọi chuyện mới trở nên trầm trọng hơn khi hàng loạt chính sách bơm tiền kích thích nền kinh tế được đưa ra. Nguồn cung tiền tệ lưu hành ngoài thị trường ước tính tăng 500%, tổng lượng tiền gia tăng ước tính bằng 60 năm trước đó cộng lại.
Nguyên nhân lượng tiền khủng khiếp này không gây ra lạm phát tồi tệ, đơn giản bởi thị trường tài chính đã hấp thụ một phần khổng lồ. Kể từ tháng 4/2022, thị trường đã chứng kiến một đà lạm phát phi mã của những tài sản tài chính, chẳng hạn như cổ phiếu, tiền mã hóa, bất động sản,..
FED sẽ xử lý lượng tiền khổng lồ này như thế nào?
Hiện tại họ đang thực hiện tăng lãi suất lên nhằm làm giảm lượng tiền tín dụng khổng lồ, sau đó FED sẽ bắt đầu thực hiện quá trình QT, bắt đầu làm giảm bảng cân đối 9,000 tỷ USD của mình.
Rủi ro từ Nhật Bản
Trước sức ép khủng khiếp của giảm phát, Bank of Japan (BoJ – ngân hàng trung ương Nhật Bản) đã thực hiện chính sách Quantitative easing (QE – nới lỏng định lượng) kể từ năm 2001. Hiện nay ngoài việc sở hữu 50.2% lượng trái phiếu lưu hành ở Nhật Bản, BoJ còn nắm giữ hơn 1,000 tỷ USD trái phiếu Hoa Kỳ.
Tuy nhiên sau khủng hoảng Covid cùng lượng tiền tệ gia tăng điên cuồng và những khủng hoảng xung quanh giá hàng hóa dẫn đến tình trạng lạm phát phi mã. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, có lẽ BoJ phải xem xét đến việc ngưng kiểm soát đường cong lợi suất, và thực hiện chính sách QT (thắt chặt định lượng).
* QT là một trong những cách thức bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhiệm vụ QT là làm hạ nhiệt nền kinh tế, làm chậm lạm phát và phần nào làm giảm sự cân bằng của cơ quan quản lý mà trong quá trình QE đã thu nhiều hơn mức bình thường.
Điều gì sẽ xảy ra khi số trái phiếu này được bán ra giữa một thị trường đang vô cùng kém thanh khoản?
Câu trả lời có lẽ sẽ là một cơn bán tháo trái phiếu điên cuồng đẩy lãi vay tăng cao đột biến, rồi nó sẽ cuốn phăng mọi thứ như một cơn sóng thần – Tsunami.
Rủi ro từ Trung Quốc
Sau những đợt thực hiện chính sách phòng chống Covid cực đoan với mục tiêu “nhất tiễn hạ song điêu”, Trung Quốc được hứa hẹn sẽ trở thành người hùng khi công bố một gọi cứu trợ trị giá $5B.
Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như vậy, vết thương từ chính sách cải cách nhằm đem đến một sự thịnh vượng chung, tập trung mạnh nhất vào ngành bất động sản, nay như được sát thêm muối vào bởi chính sách zero covid. Mọi sự cố gắng, mọi chính sách vực dậy nền kinh tế đều chỉ như muối bỏ biển.
Vết thương từ ngành bất động sản hiện tại đang nhanh chóng lan ra ngành ngân hàng, đặc biệt sau tin tức một ngân hàng lớn tại Trung Quốc đã mất khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền, buộc Chính phủ phải điều động quân đội nhúng tay vào can thiệp.
Trung Quốc hiện có vẻ sẽ phải đưa tay chịu trói, buộc bán ra lượng ngoại tệ và trái phiếu khổng lồ đã cất công tích lũy hàng chục năm trời, trước sức ép lạm phát toàn cầu.
Rủi ro từ Châu Âu
Một trong những trung tâm kinh tế toàn cầu đang bộc lộ rõ sự rối ren chính là Châu Âu, European Central Bank (Ngân hàng Châu Âu) hiện đã buộc phải từ bỏ chính sách trung lập và ngay lập tức thực hiện QT trước sức ép lạm phát không thể kiểm soát.
Đặc biệt trước những nước đi cồng kềnh đáp lại cuộc tấn công vũ trang của Nga tới Ukraine như đang châm thêm dầu vào lửa, gây ra khủng năng lượng và lạm phát trầm trọng cho Châu Âu. Đồng Euro đã mất giá trị nhanh chóng và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Khủng hoảng ở Châu Âu có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ giữa các quốc gia và châu lục hiện tại.
Lời kết
Trước rất nhiều rủi ro đang trực chờ và hiện vẫn đang chưa có một lời giải đáp, khả năng rất cao chúng ta vẫn chưa hề có đáp án về vùng đáy của Bitcoin. Vì vậy, việc chia vốn phù hợp để đầu tư là điều tất yếu trong thời điểm này.
Hy vọng anh em nhận được nhiều giá trị qua bài viết.
Trump Thành
—
* Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.