Có thể thấy, ngày càng có nhiều dự án tiền mã hóa ra đời. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ cảm thấy bị choáng ngợp và không biết nên tin tưởng lựa chọn dự án nào. Dưới đây là một số cách tham khảo để anh em có thể đánh giá một dự án crypto tiềm năng.
Mục đích ứng dụng thực tế của sản phẩm dự án
Ý tưởng ban đầu của dự án
Khi anh em tham gia đầu tư bất kỳ dự án tiền mã hóa nào, hãy xác định tính năng cốt lõi của dự án. Một trong những yếu tố quan trọng để xem xét một dự án crypto có thể đi được đường dài hay không đó là mục đích sử dụng thực tiễn của dự án đó, đồng coin/token đó có giải quyết được một vấn đề cuộc sống nào đó trong tương lai hay không.
Có thể lấy ví dụ như Bitcoin, “ông hoàng” của thị trường tiền mã hóa. Về bản chất, ngay từ đầu, BTC được giới thiệu là đồng coin phi tập trung, có độ bảo mật cao và có thể trở thành phương tiện thanh toán kỹ thuật số. Sau 13 năm phát triển, Bitcoin liên tục bị phủ nhận, liên tục nhận được những đánh giá là không an toàn, scam, không có giá trị. Tuy nhiên đến hiện tại, một số nơi đang dần chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin hay thậm chí có cả một quốc gia đã xem Bitcoin là một loại phương tiện thanh toán hợp pháp.
Dự án đã ra mắt sản phẩm chưa?
Cũng có thể một số dự án đã có một whitepaper trong đó nếu rõ tất cả thông tin về ý tưởng ban đầu của sản phẩm sắp tới và anh em nhận thấy mục đích sử dụng của nó mang tính thực tế và ứng dụng cao. Tuy nhiên, vì sản phẩm thực sự chưa hoàn thành và chưa ra mắt nên anh em vẫn cần phải xem xét lưu ý thêm, đừng mạo hiểm “all in” toàn bộ tài sản vào một dự án chỉ mới là những con chữ trên giấy.
Nhìn lại năm 2017 – 2018, khi ETH vẫn còn vài chục USD, các sản phẩm của dự án đều không được tin tưởng. Đến hiện tại, anh em có thể thấy các sản phẩm trong hệ sinh thái này đều có tính ứng dụng cao. Ethereum hiện đã trở thành một nền tảng toàn cầu cho các ứng dụng phi tập trung, hỗ trợ giao dịch mã hóa các tài sản như vàng, tiền bạc, tài sản vật chất,…
Dự án thuộc lĩnh vực nào?
Ngoài ra, anh em cũng cần xem xét sản phẩm sắp tới của dự án sẽ thuộc vào lĩnh vực nào: Web 3.0, Metaverse hay NFT,… Một số dự án ra mắt theo trend để thu hút dòng tiền đổ vào, anh em cần phải chú ý xem liệu chỉ đơn giản là “đu trend” hay dự án thuộc lĩnh vực đó còn tiềm năng phát triển nữa một khi đã qua giai đoạn xu hướng của nó hay không.
Giống như vào khoảng những tháng đầu năm 2022, Metaverse nổi lên thành một hiện tượng của thị trường, kèm theo đó là thông tin Facebook chi một khoảng tiền lớn để đầu từ vào lĩnh vực Metaverse. Đến hiện tại, những dự án về Metaverse vẫn được đánh giá là tiềm năng, tuy nhiên vẫn có nhiều thuộc lĩnh vực này có sản phẩm kém chất lượng, tất nhiên giá trị của nó trong tương lai sẽ không được đánh giá cao.
Tóm lại, một dự án nếu sản phẩm của nó không thể ứng dụng và giải quyết một vấn đề nào đó trong tương lai, về lâu dài, dự án đó sẽ mất dần giá trị và sự quan tâm của người dùng cũng không còn.
Đội ngũ phát triển
Đây là một yếu tố khác để đánh giá một dự án, đó là yếu tố con người.
Để một dự án có thể đi được đường xa, những người tạo ra nó phải là những người uy tín, có kiến thức, có kinh nghiệm và tầm nhìn về lĩnh vực crypto, về blockchain. Thông qua đó, ta có thể đánh giá được xác suất hiện thực hóa dự án cũng như khả năng phát triển của nó. Nếu như hình ảnh hay thông tin của nhóm phát triển dự án không được công khai (trừ Bitcoin), anh em hãy ngay lập tức gắn “redflag” và tránh xa.
Để có thể cập nhật thông tin về đội ngũ phát triển, anh em có thể check trên Website hoặc Whitepaper chính thức của dự án. Ngoài ra, anh em cũng có thể tìm thêm các bài báo chính thống về thông tin của các nhà phát triển để xem những dự án họ đã từng tham gia triển khai.
Một trong những dự án có đội ngũ phát triển chất lượng có thể kể đến là Binance. Đây là một dự án lớn được thành lập và điều hành bởi nhân vật “máu mặt” trong giới crypto – CZ (Changpeng Zhao). Trước khi tạo ra Binance, CZ từng là nhà sáng lập kiêm CEO của BijieTech – công ty cung cấp hệ thống trao đổi thông qua điện toán đám mây cho các nhà khai thác và nhà giao dịch.
Ngoài ra, đồng sáng lập Binance còn có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính và crypto như Roger Wang, James Hofbauer, Allan Yan. Đội ngũ phát triển chất lượng là một trong những lý do đưa Binance trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện nay, và BNB luôn là nằm trong các coin top đầu của thị trường về vốn hóa.
Quỹ đầu tư lớn hậu thuẫn
Nếu dự án anh em để ý được hỗ trợ bởi các quỹ hay các công ty đầu tư lớn thì đó là một tín hiệu tích cực. Bởi các tổ chức này thường sẽ có hội đồng thẩm định dự án và họ chỉ xuống tay đầu tư vào những dự án họ thật sự tin tưởng về tiềm năng phát triển của nó trong tương lai. Một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới có thể kể đến như a16z, Three Arrows Capital, Coinbase ventures,…
Một dự án Crypto được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư lớn có thể kể đến là NEAR.
Vào khoảng tháng 1/2022, NEAR đã thành công gọi vốn 150 triệu USD với sự tham gia của các ông lớn như Three Arrows Capital và a16z. Chỉ vài tháng sau đó, NEAR lại tiếp tục gọi vốn thành công 350 triệu USD trong vòng tài trợ đợt đó. Dẫn đầu bởi Tiger Global, cùng sự tham gia của các quỹ lớn như Republic Capital, FTX Ventures, Hashed, Dragonfly Capital, ParaFi Capital, Blockchange Ventures và MetaWeb.vc. Việc được các quỹ lớn “xuống tay” đầu tư cho thấy dòng tiền và sự chú đang đổ về hệ sinh thái NEAR ngày một nhiều hơn.
Lộ trình phát triển
Một dự án nếu có lộ trình phát triển (roadmap) rõ ràng thì đây sẽ là một điểm cộng lớn.
Nếu anh em để ý, các dự án tiềm năng sẽ không ngại ngần công khai 1 lộ trình rõ ràng. Các thông tin này sẽ giúp anh em có thể hình dung về các bước phát triển tiếp theo của dự án theo từng mốc thời gian. Ngoài ra, nếu lộ trình này có thể được thực hiện đúng với thời gian đã đề ra thì đây lại là một điểm cộng khác.
Nếu một dự án không có roadmap rõ ràng, anh em không thể biết được kế hoạch sắp tới là gì, sản phẩm gì sẽ ra mắt vào thời gian nào. Vì vậy hãy cân nhắc khi đầu tư về các dự án này. Roadmap anh em có thể tìm thấy trong Whitepaper của dự án hoặc trên Website của dự án đó.
Tokenomics
Những năm trở lại đây, tokenomics trở thành một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để đánh giá tiềm năng của một dự án tiền mã hóa. Tokenomics là một từ được ghép bởi token và economics. Tokenomics sẽ giúp chúng ta hiểu đội ngũ của dự án đó thiết kế token nhằm mục đích gì, số lượng bao nhiêu, phân bổ ra sao và vận hành như thế nào.
Các dự án Crypto thường sẽ có các vòng đầu tư ban đầu như Seed Sale hay Private Sale,… Những nhà đầu tư ban đầu sẽ được mua một lượng token với giá cực kỳ rẻ. Các token này sẽ bị “khóa” trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, nghiên cứu tokenomics của một dự án cũng sẽ giúp chúng ta biết được tổng cung của token dự án đó là bao nhiêu? Phát hành ra thị trường vào thời gian nào? Bao lâu sẽ mở khóa toàn bộ?
Do đó, nếu đội ngũ phát triển dự án thiết kế ra một tokenomics kém hiệu quả sẽ có khả năng ảnh hưởng tới giá trị của token đó cũng như lợi ích của các nhà đầu tư.
Vậy thế nào là một tokenomics có hiệu quả? Sau đây là một số dấu hiệu cho một dự án có tokenomics hiệu quả mà Bitcoincuatoi tổng hợp được:
Cơ chế mint và burn thích hợp
Đồng tiền của dự án có cơ chế đốt lượng cung dư thừa nhằm hạn chế tối đa sự lạm phát. Khi một đồng coin lạm phát, giá trị của nó sẽ mất dần do lượng cung lớn hơn cầu.
Mục đích sử dụng của token
Đồng coin dự án có thể sử dụng đa mục đích. Như đã nói phía trên, đây cũng là một trong các yếu tố để đánh giá không chỉ một tokenomics của 1 dự án mà còn cả tiềm năng của dự án đó. Ví dụ, đồng tiền của dự án có thể mang lại các tiện ích thúc đẩy sự sở hữu của các nhà đầu tư như: tham gia các sự kiện dự án, airdrop,… Một ví dụ không thể nhắc đến ở đây chính là BNB, đồng tiền mã hóa của hệ sinh thái Binance. Bằng việc sở hữu BNB, các nhà đầu tư có thể giảm được phí giao dịch trên nền tảng hay việc sở hữu BNB có thể giúp các nhà đầu tư tham gia Binance Launchpads cũng là một trong những tiện ích thúc đẩy sự sở hữu BNB của các nhà đầu tư.
Lịch trình phân bổ phù hợp
Lịch trình phân bố hợp lý đối với những nhà đầu tư liên quan. Mục đích chính ở đây vẫn là hạn chế tối đa việc xả một lượng lớn token trong một thời gian ngắn ra thị trường. Ở khía cạnh này, Binance vẫn là một ví dụ “sống”. BNB có tổng cung 200,000,000 token, unlock trong vòng 5 năm và hiện tại đã unlock hết. Kèm theo đó là có chế đốt token cho tới khi tổng cung chỉ còn một nửa. Đây là một trong những động lực để holder tiếp tục hold BNB và cũng góp phần tạo nên động lực tăng giá cho BNB.
Truyền thông Media
Truyền thông là một trong những phương tiện để một dự án có thể đến được với các nhà đầu tư cũng như tạo dựng một cộng đồng riêng cho mình. Hay nói cách khác, nếu một đội ngũ có chiến dịch làm truyền thông tốt, dự án của họ mới có thể được nhớ đến giữa hàng ngàn dự án trên thị trường,
Một số kênh xây dựng cộng đồng phổ biến trong thị trường crypto có thể được kể đến như : Telegram, Discord, Twitter,… Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng một số dự án có thể sẽ mua một lượng user ảo để tạo niềm tin. Do đó, hãy theo dõi một thời gian và xem xét độ active của các thành viên trong cộng đồng.
Vốn hóa thị trường
Một số chuyên gia cũng đặt lời khuyên rằng anh em có thể chú ý đến vốn hóa thị trường của một dự án.
Tuy nhiên, nó sẽ không phản ảnh được giá trị thực của dự án. Một đồng coin có vốn hóa thị trường lớn nhưng khối lượng giao dịch thấp, cho thấy các nhà đầu tư không thực sự có niềm tin vào dự án. Vốn hóa thị trường tiền mã hóa được tính bằng cách nhân giá tiền mã hóa với số lượng tiền mã hóa đang lưu hành. Các dự án có vốn hóa thấp thường sẽ đi kèm với rủi ro cao. Vốn hóa thị trường cũng cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về tiềm năng tăng trưởng của dự án tiền mã hóa. Các loại tiền mã hóa có vốn hóa thị trường thấp hơn có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ so với các loại tiền mã hóa có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn, lâu đời hơn.
Thế nhưng, để nói một dự án có vốn hóa thị trường càng lớn thì dự án càng tiềm năng thì không phải là một ý kiến hoàn toàn đúng, đặc biệt là trong thị trường nhiều rủi ro như crypto. Ví dụ, ta có thể dễ dàng phát hành một dự án đi kèm với một token vô dụng, không có bất cứ tiện ích gì với tổng cung là 10 triệu token. Nếu như chỉ một trong số chúng được bán ra với giá 1$, Market cap của nó đã lên đến 10 triệu USD trong khi đó chỉ là một token vô bổ, không có tính ứng dụng để tạo động lực cho các nhà đầu tư nắm giữ trong tương lai. Như vậy, giá trị của nó chắc chắn sẽ giảm dần hay thậm chí quay về con số 0.
Lời kết
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, thị trường tiền mã hóa hiện nay đã có gần 20,000 dự án phát triển. Do đó, việc nghiên cứu và lựa chọn 1 dự án tiềm năng tốt, có khả năng tăng trưởng luôn nhà điều các nhà đầu tư cần phải quan tâm.
Hy vọng trong bài viết này có thể giúp ích cho anh em trong quá trình nghiên cứu và đánh giá dự án.
Biên tập và tổng hợp – Bitcoincuatoi
—
*Thông tin trong bài viết chỉ mang mục tiêu chia sẻ và cung cấp kiến thức, không phải là lời khuyên tài chính. “Do your own research!” Hãy tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư.